Khi dòng chữ “Hades II” hiện lên ở lễ trao giải The Game Awards 2022, không khó để chúng ta nhận ra tiếng hò reo tán thưởng của đông đảo khán giả. Cũng dễ hiểu thôi, vì phần game gốc ra mắt vào năm 2020 đã là một cú hit lớn, thậm chí từng lọt vào danh sách đề cử cho danh hiệu Trò chơi của Năm.
Là một trò chơi hành động kết hợp đa dạng gameplay, đi kèm đồ họa 2D đẹp mắt cùng bối cảnh Thần thoại, Hades (2020) đã giữ chân không biết bao nhiêu game thủ ở lại – mặc dù thuộc thể loại không dành cho số đông. Vậy những thứ đó cụ thể là gì, tiện cũng đang chơi lại game thì người viết sẽ cùng bạn khám phá nhé.
Sơ lược về Hades – Bom tấn Indie của năm 2020
Hades là tựa game được phát triển bởi studio indie Supergiants Games – cha đẻ của nhiều sản phẩm nổi tiếng như Pyre, Bastion hay đặc biệt là Transistor. Ở đây, bạn sẽ vào vai Zagreus – chàng hoàng tử hào hoa phong nhã của địa ngục, và dấn thân vào hành trình thoát khỏi nơi đây, khỏi sự kìm hãm của người cha cùng tên với game để hướng tới đỉnh Olympus.
Với sự khắc nghiệt của các tầng địa ngục, nhiệm vụ này sẽ là không hề đơn giản. Zagreus sẽ ngã xuống rất nhiều lần, trở về nhà, bắt đầu lại và cứ thế,… Tuy nhiên đó lại là cơ hội để anh khám phá nhiều điều về cái xứ sở mang tiếng là “đáy xã hội” này – theo cả hai nghĩa.
Theo những người từng trải nghiệm Hades, sự hấp dẫn của game đến từ gần như mọi thứ mà nó có. Tuy nhiên hãy thử nhìn từ góc độ của một người chơi thông thường (casual) – thành phần hẳn cũng cực kỳ đông đảo trong giới game thủ – để xem game có gì để ai cũng nên thử qua nhé.
Hades có trên nhiều nền tảng, đặc biệt là Switch và Steam Deck
Dù đang sử dụng hệ máy chơi game gì từ PC cho tới console, bạn cũng có thể tìm mua Hades trên các kho game tương ứng. Tuy nhiên đặc biệt nhất phải kể tới Steam Deck và Nintendo Switch – hai hệ máy mà người viết nghĩ là tuyệt vời nhất để trải nghiệm.
Điểm chung của chúng là đều dễ dàng mang đi, đi kèm cấu hình đủ tốt để chạy mượt Hades. Chưa kể nếu chơi quen thì thời gian cho mỗi lần “leo tháp” sẽ rất nhanh (khoảng 10 phút cho một tầng), biến đây trở thành tựa game thích hợp để giải trí khi nghỉ trưa, giao ca, v.v.
Theo một bài báo của Kotaku hồi giữa năm, Hades còn lọt Top 10 game được chơi nhiều nhất trên Steam Deck trong tháng 05/2022. Chứng tỏ rằng, rất nhiều người cũng xem đây là một sản phẩm lý tưởng để chơi mọi lúc, mọi nơi phải không nào?
Về giá thành, Hades ở cả eShop (Switch) lẫn Steam (Steam Deck, PC) đều hay được giảm khá sâu. Anh em hoàn toàn có thể canh để mua game giá tốt, ai dùng PC mua trên Steam tất nhiên là sẽ chơi được nó ở Steam Deck, quá tiện.
Gameplay xả stress cực hiệu quả
Có một sự thật là càng ngày càng nhiều người đang tìm đến game để giải tỏa căng thẳng, nhất là những game có thể chơi nhanh và có gameplay xả stress tốt. Gameplay xả stress cũng có nhiều kiểu, tùy tính cách người chơi mà tỏ ra hiệu quả. Có bạn sẽ thích sự nhẹ nhàng thư thái khi chơi game nông trại hay nấu ăn, nhưng lại có người thích cảm giác dồn dập, đã tay đã mắt của các game đua xe, chặt chém,… Ví dụ như Hades.
Lối chơi của Hades theo người viết thì sẽ là sự kết hợp tuyệt vời của chặt chém (hack and slash), pha một chút bão đạn (bullet-hell), tạo nên trải nghiệm cực kỳ thú vị. Cảm giác tay phải spam nút để xẻ nát mục tiêu trong khi tay trái “rang lạc” với analog để né mưa bom bão đạn,… Tin người viết đi, bạn sẽ bị cuốn theo rất nhanh đấy.
Chưa kể mỗi vũ khí sẽ có một kiểu chơi riêng, được lắp thêm bùa lợi (Boon) từ các vị thần thì còn biến hóa gấp bội. “Đâm thẳng xuyên thủng” không phải lúc nào cũng tốt, đôi khi chỉ một nhịp “ghì cương” cũng tạo nên khác biệt.
Có quá nhiều thứ để thử trong Hades, từ vũ khí này đến bùa lợi nọ,… Nhìn chung là vô vàn tổ hợp để bạn “băm bổ”, để rồi sự mệt mỏi căng thẳng sẽ trôi đi theo từng lần leo tháp. Hồi còn chơi nhiều, cứ nghỉ giải lao hay bí ý tưởng là người viết lại “đi” một tầng địa ngục. Chơi xong rồi tâm trí thông thoáng, câu chữ lại tự mò tới gõ cửa mà thôi.
Bối cảnh Thần thoại hấp dẫn
Nói đến game bối cảnh thần thoại thì chắc hẳn, nhiều bạn giờ sẽ nghĩ ngay tới God of War Ragnarok. Và nếu đã chơi xong series Chiến thần lưu lạc Bắc u rồi, tại sao không quay trở lại Hy Lạp cùng Hades nhỉ? Ngay từ cái tên, game đã cho ta biết nó lấy cảm hứng từ đâu rồi, và bên cạnh Hades thì chúng ta sẽ còn được thấy rất nhiều gương mặt thân quen từ Nyx – hiện thân Bóng Đêm, thần khuyển ba đầu Cerberus cho tới những vị thần Olympus như Athena, Ares, Poseidon, Hermes, v.v.
Khi chơi game thì rất có thể, bạn sẽ từ lúc nào trở nên hứng thú với bối cảnh này. Vốn dĩ cũng vì từ lâu, những cái tên này và câu chuyện của họ đã hiện hữu quanh ta theo nhiều cách. Tất nhiên, Hades không phải cách tốt nhất để hiểu về thần thoại Hy Lạp. Tuy nhiên chí ít, ta cũng phần nào hình dung được tính cách và sức mạnh của họ, thứ mà thường chỉ có trong những bản anh hùng ca.
Không chỉ là anh hùng và các vị thần, mà những con quái vật cũng được game khắc họa rất tốt. Thật khó để phủ nhận sự ấn tượng ở tạo hình và gameplay của những Bone Hydra – lấy cảm hứng từ mãng xà bảy đầu Hydra hay Minotaur – lấy cảm hứng từ con quái vật nhân ngưu cùng tên, và việc chiến đấu với chúng cũng thử thách và đáng nhớ y như vậy.
Và trái cherry căng mọng trên đỉnh chiếc bánh bối cảnh sẽ là hệ thống tương tác thú vị giữa người chơi – NPC hay giữa các NPC với nhau. Nếu có vốn tiếng Anh khá, bạn sẽ thấy được rất nhiều thứ hay ho như các vị thần thích ai, ghét ai, những mẩu chuyện bên lề mở ra nhờ cơ chế tặng quà, v.v. Chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
Âm nhạc tuyệt vời, kết hợp hoàn hảo với cách bố trí màn chơi
Với người viết, cái hay nhất của âm nhạc trong Hades đó là luôn tỏ ra hợp với bối cảnh. Đi kèm với cách sắp xếp các “phòng” hợp lý, cảm giác của người chơi sẽ được xoay vần theo những cách rất thú vị. Chẳng hạn, bạn cứ hình dung tới việc trở về nhà sau ngày dài làm việc, nó cũng thoải mái như khi nghe nhạc ở gian hàng của Charon sau khi qua gần chục ải vậy.
Hay với những ai mới chơi, tiếng hát thánh thót của Eurydice hẳn sẽ tạo nên sự bất ngờ. Giữa biển dung nham của Asphodel mà lại có một ca sĩ cất cao tiếng hát, cũng khó mà nghĩ tới phải không nào?
Hãy cứ khám phá thế giới trong Hades thật nhiều, thật lâu để hiểu hơn những gì người viết muốn nói. Để rồi cuối cùng tới với những phòng đấu trùm, nơi sẽ có những bản nhạc hùng tráng, dồn dập chực chờ đẩy adrenaline trong bạn lên ngút trời.
Không quá “xương xẩu” cho người mới
Là một tựa game rogue-like, Hades sẽ bắt bạn phải chơi lại từ đầu nếu có chẳng may ngã xuống. Tuy nhiên so với các sản phẩm cùng thể loại thì với người viết, game vẫn còn “nhẹ tay” lắm. Tài nguyên khi Zagreus chết đi không bị mất, người chơi vẫn có thể nâng cấp nhiều chỉ số quan trọng để những lần “leo tháp” sau thuận lợi hơn. Chưa kể chúng ta còn có những món cổ vật từ các vị thần Olympus, chỉ cần “thả tim” họ khéo léo là lấy được.
Tận cùng của sự “giúp đỡ” sẽ chính là God Mode trong Cài đặt của Hades. Bạn có thể bật nó lên trước bất kỳ lần chơi nào, và nó sẽ giảm sát thương đáng ra Zagreus phải nhận. Càng chết nhiều, tỉ lệ giảm này càng lớn. Tất nhiên là không tới 100%, nhưng sẽ đến lúc mà nó vừa vặn với kỹ năng chơi game của bạn để tạo nên lần “leo tháp” quyết định – lần mà bạn sẽ vượt qua trùm cuối.
Tạm kết
Và đó là lý do mà người viết – một game thủ hạng xoàng – lại bị cuốn hút với Hades và nghĩ rằng các bạn cũng nên thử nó. Một tựa game không dành cho số đông nhưng lại có quá trời điểm cộng, chưa kể còn hỗ trợ “tận răng” cho người mới thì… tại sao không nhỉ?
Sau khoảng đôi ngày đắm chìm lại trong Hades, cảm giác thích thú và khí thế chiến đấu lại quay trở lại, cứ như thể 2020. Nếu thấy mình trong bài viết trên và đã sẵn sàng, đừng ngần ngại nhấc tay cầm lên và đào thoát khỏi địa ngục, trở lại mạnh mẽ sau mỗi lần thất bại để hướng tới chiến thắng.
“Một lần nữa nào!” – Zagreus, hừng hực khí thế trước khi bắt đầu một lần trốn chạy mới.