Vậy là sau hơn 10 năm ra đời và phát triển, tựa game FPS huyền thoại Counter Strike: Global Offensive – CS:GO – cuối cùng cũng đã ngừng hoạt động để nhường chỗ cho hậu bối CS2. Với nền tảng đồ họa tân tiến cùng nhiều cơ chế và hiệu ứng đổi mới, sản phẩm hứa hẹn sẽ lại đốt cháy cả thế giới, củng cố ngôi vương của IP Counter Strike trong thời buổi cạnh tranh. Tuy nhiên từ khi bước vào giai đoạn Beta cho tới cả khi ra mắt, viễn cảnh kể trên xem chừng vẫn còn hơi mờ mịt. Từ vấn nạn hacker, hệ thống xếp hạng, âm thanh rồi sự thiếu sót rất nhiều thiết lập hữu ích, v.v. Tất cả khiến CS2 đến nay vẫn đang là một mớ bòng bong. 

Đáng lý ra như thường lệ, game thủ sẽ có thể ghé thăm những phiên bản CS cũ trong khi chờ đợi vấn đề được giải quyết. Tuy nhiên lần này, Valve đã có một nước đi cực kỳ bất ngờ khi xóa sổ luôn CS:GO khỏi nền tảng Steam. Vậy là tất cả đã chính thức không còn đường lùi, và ít nhất cho đến khi CS2 có dấu hiệu tích cực, không khó để hiểu tại sao tranh cãi trên mạng xã hội lại nổ ra liên tục. Liệu đây có phải là một trong những sai lầm lớn nhất mà Valve mắc phải trong chặng đường cống hiến của mình? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

CS2, vì đâu nên nỗi?

Để hiểu hơn sự xôn xao của cộng đồng cho quyết định xóa bỏ CS:GO, trước hết hãy nhìn vào thực trạng của CS2 từ những ngày đầu Beta cho tới khi video này đến với các bạn. Bởi vì nếu chất lượng của hậu bản này thực sự tốt, sự biến mất của CS:GO có lẽ đã không để lại khoảng trống lớn tới vậy. Tuy nhiên như một nhà báo đã nói, kịch bản ấy đẹp, tiếc là nó đã không xảy ra. Từ những ngày đầu tiên bước vào giai đoạn Beta, CS2 đúng là rất đẹp, đem lại nhiều sự tươi mới về nhiều mặt, song với những điểm cần thiết nhất để làm nên một trải nghiệm chơi hoàn chỉnh thì tựa game này lại làm chưa tốt. 

Để chỉ ra vấn đề nổi bật nhất của game trong giai đoạn này thì có lẽ, đó sẽ là sự tràn lan của các hacker. Điều này khác hẳn với những gì Valve hứa hẹn trước khi game ra mắt. Chuyện bắt gặp những pháp sư cầm Scout hay AWP xuyên tường xuyên smoke, bay nhảy cực kỳ điệu nghệ như Hogwarts Legacy diễn ra như cơm bữa, khiến không ít người chơi cũng như các player hay streamer phải bất lực xin thua, không khác thời kỳ CS:GO là bao.

Ngoài ra, đó còn là rất nhiều vấn đề lớn nhỏ khác gây ra sự bất lợi nhất định với những người chơi tryhard, một số có thể kể tới như đường đạn sấy thiếu ổn định với súng to, âm thanh cần được tinh chỉnh hay sự thiếu hụt nhiều thiết lập quan trọng như net_graph để xem số FPS, hay chuyển súng qua tay trái với những game thủ thuận tay trái. Ngay cả khi bạn chỉ đơn thuần muốn giải trí với CS2 thì mọi thứ cũng không khá hơn. Nhất là những fan của chế độ Deathmatch sinh tử vì sau khi chết, máy sẽ đặt bạn ở một điểm hồi sinh cực kỳ tệ để “bụp”, có ai đó lại tiễn bạn đi luôn rồi.

Mình không phải là một người quá thường xuyên chơi CS2, nên cũng không dễ để nhận xét về tình trạng game sau khi đã ra mắt chính thức. Vậy nên mình đã có xem thử ý kiến của các pros và về cơ bản, họ đều cho rằng hậu bản của CS:GO cần thêm thời gian. Trong một tập phỏng vấn của ESL cách đây chỉ một tháng với tựa đề “CS2 vẫn chưa sẵn sàng”, các player chuyên nghiệp vẫn chỉ ra rất nhiều lỗi của tựa game này. Và nếu nghe kỹ thì rất nhiều trong số đó có những thứ mà mình đã nhắc ở trên. 

Hay đơn giản là nhìn vào những chiếc meme về CS2 gần đây, như là pha peek phong cách Michael Jackson cực kỳ điệu nghệ mà cũng đầy ức chế, là chúng ta cũng phần nào hiểu được sự chưa hoàn chỉnh của tựa game. Nhìn chung thì dù vẫn đang được sửa lỗi thường xuyên, mình cho là như vậy, thì cũng khó để nói rằng CS2 đang ở chất lượng của một sản phẩm thực sự chất lượng. 

Tại sao Valve muốn xóa bỏ CS:GO?

Vẫn biết rằng với một sản phẩm mới ra mắt như CS2, chuyện tồn đọng vấn đề là hết sức bình thường. Cá nhân mình là một người chơi giải trí thì hoàn toàn có thể thông cảm điều này với CS2, và sẵn sàng chơi lại các bản game cũ như CS:GO cho tới khi mọi thứ ổn thỏa. Bình thường thì đó là cách mọi thứ vận hành, nhưng quyết định cho CS:GO “bay màu” đầy chóng vánh của Valve đã khiến cộng đồng ngỡ ngàng. Vậy đâu có thể là những lý do cho nước đi độc lạ chưa từng có này? 

Credit ảnh: GameLinked

Theo mình chúng khả năng cao sẽ liên quan đến hai vấn đề chính là thu hút người chơi chi phí vận hành. Nghe hơi đậm mùi kinh doanh nhưng mà thôi nào, ai đi làm chẳng phải tính đến chuyện tiền nong cơ chứ? Với một sản phẩm lớn như CS2, tất nhiên Valve sẽ kỳ vọng lượng người tận hưởng siêu phẩm của họ ít nhất là gần bằng với CS:GO. Điều này trên lý thuyết là có thể xảy ra, vì CS là một thương hiệu quá lớn, nhưng nhìn vào phản ứng của cộng đồng sau giai đoạn Beta thì… có lẽ chúng ta cũng sẽ không chắc. 

Và khi đã tới sát ngày phát hành dự kiến, mình tin là Valve hoàn toàn nhận biết được số lượng lỗi còn tồn đọng trong sản phẩm của mình và có kế hoạch sửa chữa về sau. Tuy nhiên sự kiên nhẫn của người chơi là cực kỳ khó đoán, và liệu họ sẽ muốn quay lại CS2 sau khi nương tạm vào CS:GO? Không ai biết cả. Có thể vì vậy, nên Valve đã quyết định xóa sổ luôn phiên bản này trên Steam. Lúc này thì để tận hưởng trải nghiệm CS đỉnh cao, không còn cách nào khác là người chơi sẽ phải gắn bó với phiên bản mới. Việc game thủ đổ dồn vào CS2 ngay lập tức, đồng thời cũng giúp cho những bất cập được phát hiện nhanh chóng hơn, kéo ngắn quá trình hoàn thiện game.

Còn về câu chuyện chi phí thì cái này mình có tham khảo được từ một ý kiến trên Reddit, và nó tính ra cũng tương đối là chuẩn. Về cơ bản thì CS:GO và CS2 là hai sản phẩm gần như giống hệt nhau về bản chất, nên nếu phải duy trì cả hai cùng lúc thì sẽ tạo thêm áp lực về tài nguyên phần cứng, nhân lực và tất nhiên là cả tài chính. Có lẽ, nội bộ của Valve sẽ còn nhiều lý do khác để đi đến quyết định xóa bỏ CS:GO, tuy nhiên dù là gì đi nữa thì việc mọi thứ diễn ra bất ngờ thế này là… rất khó để cộng đồng có thể trở tay. 

Phản ứng từ cộng đồng

Nhìn chung, Valve cũng có những suy nghĩ hoàn toàn chính đáng khi thực hiện nước đi bất ngờ là xóa bỏ CS:GO. Tuy nhiên thực tế nó không nên là một bất ngờ. Ở đây, mình đang muốn nói tới chất lượng của CS2 khi đến tay cộng đồng, và với việc sản phẩm này vẫn còn nhiều vấn đề cả với pro và non-pro players, chuyện họ thương nhớ CS:GO và buông lời trách móc, thắc mắc với Valve cũng là thường tình mà thôi. Như đã nói ở đầu video, CS2 vẫn thường được đánh giá là chưa sẵn sàng để tiếp bước CS:GO ngay lập tức. Điều này được củng cố hơn bao giờ hết khi ngay đến các game thủ chuyên nghiệp, đối tượng hiểu trò chơi hơn tất thảy, cũng đã phải lên tiếng.

Một vài cái tên tiêu biểu có thể kể tới “Gigachad” HooXi của G2 Esports, apEX của Team Vitality, NAF của Chất Lỏng hay anh chàng bắn bằng tay trái Woxic của Eternal Fire. Tất cả đều cho rằng CS2 vẫn còn tồn tại quá nhiều vấn đề để có thể nhanh chóng thế chỗ thành công cho vị tiền bối. 

Thậm chí, con dê của làng CS:GO là s1mple còn không ngừng chỉ trích tựa game trên mạng xã hội, cũng như từ chối chia sẻ về những điều có thể cải thiện khi được hỏi bởi đội ngũ phát triển. Điều này càng khiến cho sự vắng mặt của anh tại IEM Sydney cũng như quyết định tạm nghỉ thêm phần bí ẩn. Nhất là khi theo một số nguồn tin của cây viết Esports gạo cội là Richard Lewis, tuyển thủ người Ukraine đang cảm thấy kiệt quệ và cực kỳ chán ghét CS2, thứ có thể dẫn tới một cuộc chia tay không chỉ với Na’Vi, mà còn là cả bộ môn CS, bên cạnh những lý do riêng tư khác mà đích thân tuyển thủ này đã chia sẻ trên nền tảng X. 

Còn với những người chơi bình thường, vấn đề của CS2 lại nằm ở nhiều mặt khác chứ không riêng gì trải nghiệm chơi thuần túy. Đó có thể là cách các vật phẩm trong game lột xác theo nhiều chiều hướng với engine Source 2 tân tiến, khiến giá trị của chúng và tình hình thị trường trao đổi vật phẩm có phần nhiễu loạn, hay sự thiếu sót của rất nhiều tính năng hay sản phẩm do cộng đồng đóng góp như các map cộng đồng, thứ đã góp phần quan trọng giúp CS, hay gần nhất là CS:GO, có thể phát triển rực rỡ. 

Vẫn biết rằng, việc chuyển đổi engine khiến Valve có rất nhiều điều phải làm, khi những tài nguyên mà chúng ta đóng góp cũng sẽ cần được nâng cấp trên engine mới. Tuy nhiên game thủ chúng ta, hay chính là khách hàng của Valve, không ai muốn phải chờ đợi quá lâu để có được trải nghiệm chơi tối ưu, đúng không nào? Nhất là sau khi tựa game này đã có ngần ấy thời gian Beta, và các giải đấu CS2 đầu tiên cũng đã được tổ chức, thì việc người chơi mong muốn được hòa nhịp nhanh chóng vào bầu không khí FPS đỉnh cao cũng là điều dễ hiểu. 

Tuy nhiên, tất cả những điều trên vẫn chưa phải thứ khiến game thủ đau đầu nhất với CS2, mà đó là việc đây là một sản phẩm chưa được tối ưu về hiệu năng. CS2 đòi hỏi cấu hình cao hơn CS:GO, hoàn toàn chấp nhận được khi game đã chuyển qua Source 2 và ra mắt cách nhau 10 năm, tuy nhiên lại đến mức khiến cả những cấu hình máy mới nhất cũng không đạt được FPS cao thì đúng là không ổn. Với những game thủ bình thường điều này có thể không quá ảnh hưởng, nhưng với dân tryhard Matchmaking hay leo LV FACEIT thì dễ sẽ là có. 

Theo như những chia sẻ trên Reddit và tab cộng đồng CS của Steam, vấn đề này dường như vẫn tồn tại ngay cả khi game đã ra mắt chính thức. Có không ít cấu hình tưởng chừng sẽ dễ dàng “ăn tươi nuốt sống” tựa game, nhưng giờ lại hên xui về mức độ khung hình tùy vào từng khu vực, thậm chí là… không chơi nổi khi có ai đó ném bom hoặc Molotov. Trải nghiệm của các bạn hiện tại với CS2 thế nào, đã mượt mà hơn hay vẫn gặp vấn đề? Đừng ngần ngại chia sẻ dưới phần Bình luận nhé. 

Ngoài ra, như mọi phiên bản CS trước đây, người chơi hẳn vẫn sẽ mong CS:GO được duy trì theo một cách nào đó. Có thể là trên server cộng đồng hay nhiều cách khác, vì với nhiều người, đây thậm chí còn là cả một khoảng thanh xuân khó có thể phai mờ. Tất nhiên, CS2 sẽ có thêm thời gian để cải thiện. Để rồi “hữu xạ tự nhiên hương”, chính bản thân trò chơi cùng cộng đồng chuyên nghiệp sục sôi sẽ kéo tất cả quay về một mối, như cách mọi thứ trước đây vẫn từng. 

Cuối cùng, việc đột ngột xóa bỏ CS:GO còn gây nên sự tranh cãi vì đây từng là một game trả phí, rất nhiều người đã bỏ tiền ra mua. Đáng lý ra, sản phẩm đó nên tồn tại lâu bền trong thư viện game thủ, nhưng rồi nó đã bay màu không dấu vết. Điều này cũng tương tự một trường hợp gần đây là Overwatch, khi phiên bản đầu từng có giá 60 USD của game đã biến mất để nhường chỗ cho thế hệ sau – 1 trò chơi hoàn toàn miễn phí. Về việc này thì nhiều luồng ý kiến đã được đưa ra, và không ít trong số đó là những đánh giá không tích cực. 

Nhìn chung, với tất cả những vấn đề kể trên, sự biến mất của CS:GO hoàn toàn có thể trở thành một khoảng trống lớn. Đúng là Valve vẫn có lý do chính đáng cho quyết định này, tuy nhiên với tính chất quan trọng và chưa từng có tiền lệ, lẽ ra công ty nước Mỹ cần chuẩn bị tốt hơn. Valve không sai khi khai tử CS:GO, họ chỉ sai khi đã không tính toán đủ kỹ càng cho nước đi táo bạo này với CS2. Vậy thì như mọi video bàn luận khác, liệu vấn đề có cách nào giải quyết hay không? 

Giải pháp nào cho Valve?

Ở thời điểm bài viết được xuất bản thì một số yếu tố cực kỳ quan trọng như Community Map, các bản đồ được tạo ra bởi cộng đồng người chơi, đã được bổ sung thông qua bản cập nhật vào ngày 02/11. Có vẻ như ít nhất Valve đã luôn lắng nghe tiếng lòng của người chơi để cải thiện sản phẩm, tuy nhiên vẫn sẽ còn một chặng đường rất, rất dài trước mắt cho CS2. Cải thiện từng ngày với tốc độ nhanh nhất có thể, đó có lẽ là giải pháp tốt nhất cho hầu hết vấn đề – đặc biệt khi chúng ta nói về một sản phẩm với tầm ảnh hưởng và quy mô cấp độ toàn cầu như CS. 

Điều này càng thêm phần quan trọng khi sự xuất hiện của CS2 cũng bắt đầu ảnh hưởng đến đấu trường chuyên nghiệp, thể hiện ở mật độ ngày càng tăng của các giải đấu lớn. Khách quan mà nói, vị thế của CS đang là quá lớn để có thể bị lật đổ, tuy nhiên điều gì sẽ xảy ra nếu bằng một cách nào đó, các đối thủ của vị vua này có thể tận dụng thời cơ để tiến bộ? Không ai biết cả. 

By Công Minh

Chẳng chóng thì chày thì cũng 30; nhưng mình vẫn có niềm đam mê lớn với đồ chơi, đồ công nghệ, thẻ bài, bóng đá,... và thích viết dài, viết mãi để nói về chúng.

Related Post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *