Những ngày gần đây, ChatGPT nói riêng và trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung đang trở thành chủ đề cực kì nóng. Cũng dễ hiểu thôi, vì chúng đang khiến tất cả phải bất ngờ vì sự “tiến hóa” vượt bậc của mình. Từ những con chatbot chỉ biết hỏi gì đáp nấy, giải trí cho vui, chúng nay đã có thể làm được rất nhiều thứ với chất lượng không hề thua kém con người. Dù là những hoạt động rất nhỏ như lập kế hoạch hàng ngày, hướng dẫn nấu ăn, tra cứu,.. cho tới những thứ cực kỳ phức tạp như viết đơn từ, sửa lỗi code hay là làm luận văn.
Mặc dù vẫn có hạn chế, nhưng chúng ta phải công nhận là AI đang tiến bộ rất nhanh, đến mức rất nhiều người phải sợ hãi về viễn cảnh sẽ bị chúng thay thế trong tương lai. Thận trọng theo mình thì cũng ổn thôi, thậm chí còn là nên làm, nhưng cũng đừng lo lắng quá vì con người vẫn còn quá nhiều lý do để có quyền tự quyết trước con quái vật do chính mình tạo ra.
AI nói chung và chatbot AI nói riêng đang quá mạnh?
Để mà bàn luận về AI nói chung thì sẽ là quá rộng và cao siêu với mình, vậy nên là chúng ta sẽ lấy tạm mấy con chatbot AI như ChatGPT nhé. Đây là những ví dụ quen thuộc nhất về AI, và cũng dễ dàng tiếp cận nhất ở thời điểm hiện tại. Điểm chung của đám này là chúng sẽ phản hồi yêu cầu của người dùng dưới dạng văn bản, nhưng với độ chi tiết và chỉn chu cao tới mức chính con người còn phải giật mình.
Kiểu không chỉ là trả lời câu hỏi, cù nhây trống không như SimSimi của chục năm trước, câu trả lời của mấy con chatbot AI nhiều khi còn dùng được cho cả mục đích học thuật. Mấy hôm nay rộ lên vụ sinh viên Nga viết luận văn bằng AI trong chưa đầy một ngày mà vẫn qua môn. Hay là việc giới Marketing Mỹ đang thích dùng ChatGPT để viết quảng cáo thay, nhiêu đó ví dụ thôi cũng đủ để AI ‘flexing” rồi ha?
Mấy cái đơn giản hơn như hỏi đáp công thức nấu ăn, kiến thức chung hay tư vấn lịch trình các kiểu thì nhỏ hơn rất nhiều, cơ mà chắc chắn là cũng phải nhắc tới. Có thể trong đầu nhiều bạn thì những dữ liệu trên vẫn luôn có sẵn, nhưng nếu để “nảy số” và truyền tải nhanh nếu cần thì chắc chắn chúng ta không thể nhanh bằng AI rồi – tức là yếu tố tốc độ đấy.
Nhưng nếu phải chọn ra điều gì đáng sợ hơn cả thì đó sẽ là việc, AI ngày nay đang càng ngày càng ứng xử giống với con người. Con người có thể dạy chúng rất nhiều thứ để tạo nên tính cách như họ muốn, qua đó ứng dụng dần vào rất nhiều thứ như viết lách, chăm sóc khách hàng, trả lời mail,… những công việc thường do người làm và cần tới tính “người” để thuyết phục đối phương dễ dàng hơn.
Nghe có vẻ khủng đấy, nhưng sự thật là…
Sự thật đầu tiên thì AI vẫn chỉ là máy móc, và nếu không có những kiến thức, quy trình,… được con người tạo lập sẵn thì nó sẽ chẳng làm được gì. Mình không rõ là những AI cao cấp hơn ChatGPT hay Prometheus (Microsoft) trông như thế nào, nhưng nếu đã ở mức đó thì hẳn chúng sẽ là các dự án có tính bảo mật cực cao, dùng nguồn dữ liệu riêng và còn lâu đại chúng mới được biết đến.
Những con AI khiến chúng ta lo lắng vẫn còn thân thuộc lắm, vẫn dựa vào nguồn tri thức gần như miễn phí trên Internet. Mà Internet như chúng ta đang dùng thì đó, cái gì cũng hoàn toàn có thể thêm ra, rút vào,… thậm chí là bị làm cho sai lệch bởi mục đích cá nhân hay tập thể (Ví dụ: Wikipedia) – lúc đó thì báo hại cho AI luôn.
Sự thật thứ hai thì hiện tại AI vẫn đang là người “học”, còn con người thì vẫn là người “dạy”. Và nếu chúng ta, hoặc là ai đó với ý đồ xấu, dạy cho nó kiến thức sai thì sao? Không phải ngẫu nhiên mà khi ChatGPT xuất hiện, câu chuyện của những chatbot bị “tha hóa” như SimSimi được nhắc lại. Quay ra nước ngoài thì cũng đã có không ít trường hợp, và chúng khiến nhiều ông lớn đang phải cẩn thận với làn sóng mới.
Sự thật thứ ba, tạm thời là cuối cùng, đó và việc AI vẫn là từ con người phát triển mà thành. Và nếu có sai sót trong khâu này thì khả năng cao nó sẽ trục trặc, chứ khó mà có ý thức riêng như trên phim lắm. Như đội ngũ Google hôm rồi phát triển con AI Bard, cạnh tranh với ChatGPT chưa thấy mà chỉ thấy trả lời sai kiến thức. Thế là vèo cái bay ngay 100 triệu USD vốn hóa của công ty mẹ Alphabet, báo thực sự!
Nhìn chung, chừng nào vẫn còn ở dưới bàn tay con người và dựa vào hệ thống mở cho đại chúng, nguy cơ cho những con AI không thể làm tròn nhiệm vụ của mình là còn nguyên.
Con người có những thứ mà AI không thể nào biết…
Nếu để chỉ ra thứ phân định rõ nhất con người với máy móc, ít nhất là tới lúc này, thì với mình không gì khác chính là sự sáng tạo. AI có thể biết rất nhiều và thậm chí là tư duy được chút, nhưng đó mới là để nó có thể ghép nối những gì đã nhặt được mà thôi. Không đâu xa, nhìn vào những ứng dụng nổi bật của ChatGPT là thấy. Từ viết đơn, viết quảng cáo, trả lời câu hỏi hay làm luận văn, tất cả cũng chỉ là tập hợp những thông tin, nghiên cứu có sẵn và xếp theo những trình tự… cũng có sẵn luôn.
Và vì chỉ có thể thôi, nên những sản phẩm AI tạo ra hầu hết vẫn chỉ ở mức đủ dùng. Ngay ở trường hợp ChatGPT viết luận văn trong chưa đến một ngày tại Nga đang gây sốt, thành phẩm của nó cũng mới chỉ được chấm vừa đủ qua môn mà thôi, chứng tỏ là vẫn còn nhiều thiếu sót – trong số đó hẳn sẽ có cả sự sáng tạo.
Và để có được sự sáng tạo thì ngoài kiến thức, chúng ta cần có cả cảm hứng, cả động lực. Mà những thứ ấy phần lớn sẽ hình thành từ môi trường sống, từ trải nghiệm độc nhất của mỗi con người. Trên thế giới còn rất nhiều ngành nghề được quyết định bởi sự sáng tạo, bởi một khoảnh khắc đầy cảm hứng. Ví dụ như các bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, v.v. với không ít tác phẩm định hình lại cả thế giới.
Ngoài hình thành cảm hứng, trải nghiệm cuộc sống còn giúp chúng ta hình thành cá tính. Còn với trình độ tư duy của AI hiện tại, cá tính của nó cũng chỉ là bản sao hoặc là sự tập hợp từ những người dạy mà thôi. Mọi thứ chúng ta đang làm đều sẽ ít nhiều ảnh hưởng bởi cá tính, và 8 tỉ con người thì cũng là 8 tỉ nét cá tính khác nhau, để rồi một vài trong số đó sẽ vươn lên và ghi dấu vào lịch sử.
Một thứ nữa mà AI sẽ không thể nào biết từ con người, đó là những bí mật thầm kín. Giữa con người với con người còn có nhiều bí mật, thì việc họ giữ lại nhiều thứ và không đăng lên Internet cho AI cũng là bình thường. Hay cao siêu hơn, đó là những kiến thức cực kỳ quan trọng mà chỉ lưu trữ bằng hiện vật mới là đảm bảo. Đó cũng là một dạng dữ liệu mà AI sẽ không thể có được.
Và cuối cùng, đó chính là quyền tự quyết với chính AI. AI suy cho cùng cũng chỉ là công cụ, và công cụ thì vẫn cứ là thứ yếu cho quá trình làm nên thành công – vốn sẽ đòi hỏi tất cả những yếu tố quan trọng hơn nằm bên trên.
Tổng hòa lại, AI sinh ra để tiến gần và trợ giúp con người. Chính những đặc tính rất “người” kể trên là những gì chúng còn thiếu, những đó lại là thứ mà ta có sẵn để có thể liên tục chạy trước, liên tục đề phòng về tầm ảnh hưởng của công cụ này.
… nhưng nếu không thể tận dụng, họ sẽ bị AI đào thải
Sự sáng tạo, cảm hứng, động lực, cá tính, quyền tự quyết và những điều giấu kín,… Con người có được tư duy để hình dung và tận dụng được những thứ đó thực sự là một đặc ân. Thế nhưng không phải ai cũng có thể làm như vậy, hoặc họ quên mất rằng mình hoàn toàn có khả năng. Và đó là lúc chúng ta rơi vào lối mòn, làm mọi thứ một cách lặp lại. Và đó chính là lúc AI sẽ “đá” chúng ta vào mông, với khả năng bám sát quy trình với tốc độ mà não bộ con người KHÔNG THỂ NÀO theo nổi.
Có thể nguồn dữ liệu AI sử dụng có thể bị chỉnh sửa, thao túng,… nhưng đó cũng chính là thứ làm nên phần lớn tri thức của chúng ta. Nếu chỉ lấy thông tin ở trên đó, làm công việc của mình lặp đi lặp lại thì sớm thôi, máy móc sẽ bắt kịp bạn với lượng kiến thức tương đương cùng tốc độ học hỏi, thực thi nhanh như điện,… Và quan trọng nhất là với chi phí tối ưu hơn.
Theo Futurism đưa tin thì từ vài tháng trước, chuyên trang tin tức nổi tiếng CNET đã âm thầm đăng 73 bài viết do AI soạn ra trên website chính thức. Tất nhiên, mọi sản phẩm cho ra vẫn được can thiệp bởi con người, nhưng hẳn con AI đó cũng không hề tầm thường thì mới được cho phép “viết” nhiều đến ngần đó (trước khi phạm phải nhiều lỗi như những bài đăng gần đây).
Nếu sự can thiệp ấy giả sử là tối thiểu, thì người đọc trên thế giới đã coi như bị máy móc qua mặt – ít nhất là một thời gian khá dài. Với thời gian trống có được nhờ “khoán” cho AI, những tay viết người thật ở CNET có thể làm những công việc khác, viết những dạng bài quan trọng hơn,… hay nói cách khác chính là tìm cảm hứng, là sáng tạo để không bị đào thải.
Tạm kết
Khi viết ra những dòng này, mình cũng hình thành nỗi sợ bị thay thế lúc nào không hay. Đơn giản vì mình đang mắc kẹt ở lối mòn trong rất nhiều khía cạnh của cuộc sống, và viết ra có lẽ cũng chẳng khác gì tự xác định cái kết cho bản thân với những gì đang làm. Tuy nhiên nghĩ lại, chẳng phải chính bài viết này, chính video sẽ được làm dựa trên nó,… là sự sáng tạo đó sao? Và nỗi sợ kể trên lại chính là động lực, là cảm hứng mình đã nói để con trỏ còn di đến tận chỗ này đấy thôi?
Mình không chắc sau bài viết này, sẽ có video hay podcast nào ra đời dựa trên nội dung này như mình muốn hay không. Cơ mà ít nhất thì mình cũng đã thử, đã tìm cách để có quyền tự quyết với thực tại, và đã vậy thì chẳng tội gì không đi tiếp, không thử tiếp nhỉ bạn đọc yêu quý của tôi?
Cũng rất cảm ơn nếu ai đó đã đọc đến tận đây. Hãy tự tin và cảnh giác hơn, vì một tương lai không bị đá chén cơm bởi chính thành quả ngọt ngào của con người.