Kể từ khi mua lại ATI vào năm 2006, AMD đã vươn mình trở thành một trong những nhà sản xuất card đồ họa hàng đầu thế giới. Trong hơn một thập kỷ sau đó, công ty liên tục cho ra những sản phẩm chất lượng để cạnh tranh với đối thủ là NVIDIA, có thể sau này là cả Intel. Nhìn chung, sự phát triển của đội Đỏ đã giúp người dùng hưởng lợi không ít, tuy nhiên đôi lúc họ cũng phải lắc đầu ngán ngẩm với một số cái tên cực kỳ đáng quên.
Dưới đây sẽ là một vài đại diện như vậy. Bạn đọc có thể bổ sung nếu thấy còn thiếu sót nhé.
Radeon 8500 – Driver cực tệ
Trước khi được mua lại bởi AMD, ATI đã rất nổi tiếng và là cái tên duy nhất trong giai đoạn 90 – 2000 có cơ hội chống lại NVIDIA – bấy giờ đang là công ty dẫn đầu thị trường card đồ họa. Năm 2001 chứng kiến cộng đồng tỏ ra phấn khích với thế hệ GPU Radeon 8000 đời mới từ ATI. Họ kỳ vọng nó sẽ có thể đánh bại GeForce3 Ti 500 hàng đầu của NVIDIA nhờ cấu hình ấn tượng và mức giá rẻ hơn 50 USD (299 USD so với 349 USD). Vậy chuyện gì đã xảy ra?
Được kỳ vọng rất nhiều nhưng trên thực tế, Radeon 8500 kém xa Ti 500 của NVIDIA về điểm chuẩn. Trong khi về lý thuyết, 8500 lẽ ra phải nhỉnh hơn Ti 500 một chút, một vài trường hợp thì còn là rất nhiều. Với giới chuyên môn thì Radeon 8500 cũng là sự thất vọng, vì nó thậm chí chỉ so được với GeForce3 Ti 200 của NVIDIA, với mức giá khi đó chỉ là dưới 200 USD.
Cuối cùng, Radeon 8500 có driver thực sự tệ. Nó có thể đánh bại Ti 500 với một số bài test như 3DMark 2001, nhưng khi dùng để gaming thì lại tụt hậu đáng kể. Về lý thuyết, Radeon 8500 hoàn toàn có thể được tối ưu tốt hơn cho game để sánh ngang với Ti 500. Tuy nhiên mọi thứ lại không được như vậy, và dù đã được ATi cập nhật driver 2 tuần/lần thì nó vẫn là một sản phẩm thất bại.
Radeon 8500 có quá nhiều tiềm năng để trở nên tuyệt vời, nhưng biết được điều này chỉ khiến cộng đồng càng thêm thất vọng mà thôi. Đã có rất nhiều GPU từ AMD hoặc ATI có driver tệ, đặc biệt là thế hệ RX 5000, nhưng 8500 vẫn là nạn nhân đáng thương hơn cả. May mắn thay, ATI đã nhanh chóng lấy lại niềm tin của người dùng với thế hệ sau là Radeon 9000. Vậy nên hãy coi như Radeon 8000 là một bước lùi để công ty “tiến ba bước” lớn sau đó.
Radeon R9 390X – Nóng như đốt lò
Khoảng một thập kỷ từ vụ Radeon 8500, cả ATI lẫn AMD (sau khi mua lại ATI vào năm 2006) không thực sự tạo ra được một sản phẩm ấn tượng nào trên thị trường. HD 3000 và HD 6000 thì gặp chút rắc rối nhưng không quá nghiêm trọng, có chăng có dòng 290X thì thể hiện tương đối tốt trước NVIDIA vào năm 2013. Không may cho AMD là sau đó, họ lại không thể duy trì phong độ vốn có. Lý do là công ty vẫn đang mắc kẹt với tiến trình 28mm của TSMC, nên điều duy nhất mà họ có thể làm là tạo ra GPU mới dựa trên thiết kế cũ.
Đó chính là cách mà AMD tạo ra series RX 3000, với R9 390X thực chất chỉ là R9 290X đổi tên. R9 390X có thể bắt kịp GTX 980 của NVIDIA ở độ phân giải cao, nhưng lại đuối hơn những 30% khi được đặt cạnh GTX 980Ti. Công suất tiêu thụ cũng là vấn đề lớn với 390X, khi nó ngốn trung bình tới 344 watt khi chơi game – gấp đôi so với GTX 980 và hơn gần 100 watt so với đời trước là 290X. Ngay cả khi chỉ để xuất nhiều màn hình cùng lúc khi làm văn phòng, xem phim Blu-ray,… 390X đã tiêu thụ khoảng 100 watt rồi.
Radeon 300 series và đặc biệt là 390X đã củng cố thêm luận điểm rằng GPU AMD rất nóng, rất ổn. Rõ ràng đây không phải là điều tốt khi tiếng xấu này đã có từ thế hệ trước là 290X.
Radeon R9 Fury X – Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa
Không giống như Radeon 300 chỉ là đổi tên từ 290X, R9 Fury X là GPU được phát triển dựa trên phiên bản mới nhất của kiến trúc GCN và được trang bị 4GB bộ nhớ băng thông cao tiên tiến. Nó thậm chí còn được trang bị cả tản nhiệt nước, theo giới chuyên môn mô tả thì là “giấc mơ ướt” của những ai ưa ép xung. R9 Fury X có đủ mọi thứ cần thiết để cạnh tranh với NVIDIA trong năm 2015, nhưng nó lại không thể làm được điều đó.
Khi đó, đối thủ chính của mẫu card này là NVIDIA GTX Titan X, sản phẩm cao cấp với mức giá 999 USD. Mặc dù yếu hơn đối thủ một chút, nhưng việc rẻ hơn tới 350 USD rõ ràng là điểm mạnh không thể xem nhẹ trên R9 Fury X. Tuy nhiên ở tầm giá 600 USD, Fury X lại phải chạm mặt GTX 980Ti (649 USD). Nó có 6GB VRAM, tiêu thụ điện năng ít hơn nhưng lại cho ra hiệu suất ngang Titan X – khó thực sự cho đại diện của đội Đỏ.
Ở thời điểm bấy giờ, AMD đã trải qua quá nhiều khó khăn và gần như không thể tạo ra một kiến trúc mới với hiệu quả ngang hàng trên GTX 980i ngay lập tức. R9 Fury X kết cục là vẫn thua, và NVIDIA thậm chí còn chẳng phải làm gì để giành chiến thắng.
Ngay cả khía cạnh có vẻ Fury X sẽ làm tốt là ép xung thì theo giới chuyên môn, nó cũng không tốt đến vậy. Không có bất kỳ cách nào để gia tăng xung nhịp cho card, hoặc có thì cũng là rất ít, trong khi GTX 900 của NVIDIA lại có thể dễ dàng ép xung nhịp lên ít nhất 20%, đôi khi là 30% nếu chiếc card đó đủ khỏe.
Radeon RX 590 – Biết là tệ rồi, đừng nói nữa!
Ba năm sau sự kiện R9 Fury X, tình hình với AMD cũng khá dần lên. Dù chưa thể vươn tới đỉnh cao về hiệu suất, nhưng hãng đã thu hẹp khoảng cách với NVIDIA đáng kể với những sản phẩm như RX Vega (2017). Đội Đỏ đã lên kế hoạch để đẩy mạnh dòng card Vega từ đó, nhưng họ rốt cuộc lại không làm vậy. AMD thay vào đó đã tạo ra thế hệ card RX 500, đơn giản chỉ là đổi tên từ RX 400 và gây ra sự thất vọng rất lớn với cộng đồng công nghệ.
Về lý thuyết, AMD cũng không nhất thiết phải ra mắt một sản phẩm hoàn toàn mới. RTX 2000 mới ra của NVIDIA đúng là có mạnh, nhưng mức giá của nó sẽ khiến nhiều game thủ phải suy nghĩ. Chỉ là nếu có ra card, đội Đỏ nên tránh phân khúc tầm trung vì RTX 2060 và GTX 1660Ti sẽ sớm đổ bộ. Tuy nhiên họ lại quyết định làm ngược lại khi tung ra RX 590, chỉ là đổi tên từ thế hệ RX 400 trước đó.
Lý giải cho quyết định này, AMD không muốn giữa RX 580 và Vega 56 có khoảng trống về hiệu suất lớn tới vậy. RX 590 được kỳ vọng sẽ khắc phục vấn đề, nhưng do chỉ là RX 480 nâng xung nên thật khó để nó tỏ ra đủ tốt. Với quá ít tinh chỉnh, sản phẩm này cho ra sức mạnh không được như kỳ vọng. Chưa kể việc nâng xung cũng khiến điện năng tiêu thủ của RX 590 lên tới 225 watt, cao hơn tới 75 watt so với RX 480.
Với việc Vega 56 chỉ tiêu thụ cùng lắm 210 watt, không có lý do nào để chúng ta cân nhắc RX 590 nữa. Vega 56 có thể nóng và ồn, nhưng ít nhất sức mạnh vẫn là thứ khiến nó đáng mua hơn nhiều so với RX 590.
Radeon VII – Giá mà hiệu năng cũng “chất” như tên gọi…
Về cơ bản, RX 590 được sinh ra để giải quyết một vấn đề không tồn tại. Tuy nhiên những rắc rối mà RTX 2080 của NVIDIA tạo ra thì có, khi nó nhanh hơn nhiều so với bất kỳ thứ gì mà AMD sở hữu. Đó là lý do mà Radeon VII được ra đời, với hi vọng sẽ vượt mặt được RTX 2080 nhờ hiệu năng thuần – có được nhờ nền tảng là GPU Radeon Instinct MI50 dành cho server. Mặc dù biết rằng RTX 2080 sở hữu những công nghệ tối tân như Ray Tracing hay DLSS, nhưng đội Đỏ đánh giá chúng còn quá mới và chưa đủ hoàn thiện để phải bận tâm.
Theo AMD, Radeon VII sẽ có thể sánh ngang với RTX 2080, nhưng các đánh giá lại cho thấy điều ngược lại. Techspot nhận thấy Radeon VII gần như không thể theo kịp đối thủ, và thậm chí thắng rất sát nút GTX 1080Ti – tuỳ chọn card đã ra mắt từ 3 năm trước đó. Mặc dù việc có tiến trình tốt hơn (7nm so với 12/16nm) đã giúp Radeon VII nhanh hơn Vega 64 đáng kể, nhưng thế vẫn là quá ít để nó chứng minh tầm ảnh hưởng.
Thậm chí tệ hơn, AMD còn phải chịu lỗ khi sản xuất và bán ra Radeon VII, do chi phí để tạo ra GPU 7nm với bộ nhớ HBM2 là không hề rẻ vào năm 2018 – 2019. Vậy nên suy ra, Radeon VII đã bại trận toàn tập trên thị trường: Thua từ hiệu năng, hiệu quả và cả về doanh số. Đáng chú ý, RX 5700 XT ra mắt chỉ vài tháng sau đó đã có hiệu suất bằng 90% Radeon VII trong khi rẻ hơn một nửa. Vậy thì lý do nào để chúng ta lựa chọn hay thậm chí nhớ đến Radeon VII?
Radeon RX 6500 XT – Ra sau “tiền bối” 6 năm vẫn… thua
Những năm gần đây, không dễ để kiếm được một mẫu GPU với hiệu năng trên giá thành “ổn áp”. Lý do là vì cả NVIDIA lẫn AMD đều chưa thể đưa ra những sản phẩm thực sự tốt hơn những gì đã có, thậm chí từ 2016 – 2017. Vấn đề này càng trở nên trầm trọng với sự thiếu hụt GPU do cơn sốt tiền ảo trong hai năm gần đây, khiến người dùng càng phải chi ra nhiều tiền hơn cho một chiếc card.
Nắm bắt được vấn đề, AMD đã tung ra một vài mẫu GPU giá rẻ thuộc series RX 6000 hồi đầu năm nay. Cụ thể, chúng ta đã có RX 6500 XT (199 USD) và RX 6400 (159 USD), gợi nhớ tới RX 480 cùng RX 470 cả về giá lẫn hiệu năng. Liệu sau 6 năm kể từ RX 400, đây sẽ là một lứa card chất lượng nữa từ đội Đỏ? Câu trả lời rất tiếc là không.
Theo thử nghiệm của Techspot, RX 6500 XT thua cả 5500XT đời trước (169 USD), GTX 1650 Super (159 USD) hay thậm chí cả RX 590. RX 590 thì như chúng ta đã biết, chỉ là phiên bản nâng xung của RX 490, vậy nên suy ra RX 6500 XT đang thua một sản phẩm của 6 năm về trước – thực sự là khó chấp nhận.
Sự thật là, RX 6500 XT và RX 6400 ban đầu không phải sinh ra dành cho desktop. Đây thực chất là GPU cho laptop nhưng được hàn vào PCB để dùng được cho desktop mà thôi. Đó cũng là lý do mà chúng chỉ có 4GB bộ nhớ GDDR6, hai cổng xuất hình và bị giới hạn ở 4 làn PCIe. Tuy hoạt động ổn và tiết kiệm điện nhờ khóa xung nhưng thôi nào, đây là desktop và không ai quan tâm tới điều đó cả.
Chưa kể, nếu được dùng với bo mạch chủ có PCIe 3.0 thì hiệu suất của chúng còn bị giảm mạnh. Điều này có nghĩa rằng, những game thủ không có điều kiện và đang phải dùng phần cứng cũ sẽ gặp nhiều bất lợi. Buồn cười hơn nữa, các CPU Ryzen 5000 tầm trung trở xuống còn bị AMD vô hiệu hóa giao thức PCIe 4.0 nếu đặt trên bo mạch chủ giá rẻ. Vậy nên nếu muốn tận dụng PCIe 4.0 trên RX 6500 XT và 6400, hãy ghép đôi với CPU Intel 12th Gen.
RX 6500 XT và RX 6400 đều có nhiều điểm tệ, nhưng nếu chỉ được nói về một cái thì đó sẽ là RX 6500 XT. Ít nhất thì ở mức giá siêu rẻ, RX 6400 vẫn đang làm tốt, chỉ là nếu mua nó cùng PC mới thì bạn nên nhớ chọn CPU và bo mạch chủ cẩn thận để dùng được PCIe 4.0 mà thôi.
Theo DigitalTrend và Tinhte