Thời buổi mạng xã hội và các nền tảng đánh giá đang lên ngôi, có lẽ việc một tựa game nào đó bị ghét ngay từ khi chưa ra mắt đã là chuyện hết sức bình thường. Kể cả khi đó là một sản phẩm có tiềm năng thì đâu đó vẫn sẽ có người ghét, và chỉ cần có cơ hội là lập tức, họ sẽ biến phần bình luận dành cho tựa game đó chi chít sắc Đỏ như mấy bài văn tôi viết hồi cấp Hai vậy.
Sẽ không có gì đáng nói nếu đây chỉ là hiện tượng nhất thời, nhưng thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Tình trạng này quen thuộc đến mức gần như mọi nhà phát triển hay phát hành đều phải sẵn sàng đón nhận, dù sản phẩm của họ thực sự hứa hẹn. Dần dà, chúng ta thậm chí còn có cả một thuật ngữ để mô tả hiện tượng này, đó là “bomb review”.
Vậy bomb review là gì? Tại sao cộng đồng game thủ lại thích bomb review đến thế? Nó xấu ra sao, và liệu có khi nào “bomb review” không xấu? Hãy cùng tìm hiểu ngay bây giờ nhé.
Bomb review là gì?
Theo Wikipedia, Bomb review là thuật ngữ để chỉ một hiện tượng Internet, khi một lượng người dùng sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để đăng tải nhận xét tiêu cực về một sản phẩm, qua đó gây hại tới doanh số và danh tiếng của sản phẩm đó. Đánh giá tiêu cực thường sẽ là để chúng ta phản ánh những vấn đề còn tồn tại trong game, nhưng bomb review như chúng ta thường thấy hiện nay sẽ chủ yếu mang tính chất “triệt hạ” game, được thực hiện vì nhiều lý do khác nhau.
Lần đầu khái niệm “bomb review” xuất hiện đối với 1 tựa game là trong bài viết của tác giả Ben Kuchera trên tờ Ars Technica vào năm 2008. Khi đó, nạn nhân là Spore – một tựa game vui nhộn mô phỏng lại quá trình tiến hóa của Maxis, và những đánh giá trên Amazon nhắm vào sản phẩm này đã chỉ trích lối chơi mờ nhạt và vấn đề quản lý bản quyền kỹ thuật số của nó.
Những năm sau này, càng ngày càng có nhiều tựa game từ lớn đến nhỏ được ghi nhận là đã phải chịu những đợt bomb review nặng nề. Đặc biệt là những sản phẩm AAA có sức hút lớn ở thời điểm ra mắt như Mass Effect 3 (2012), The Elder Scroll V: Skyrim (2015), NieR: Automata (2017), GTA V (2017),.. hay cả những game Esports truyền thống như Dota 2 hoặc được đánh giá là đột phá khi xuất hiện như PUBG cũng không tránh khỏi làn sóng này.
Nhìn chung, bomb review dường như không phân biệt bất kỳ một thể loại game hay NPH game nào, đến mức đó đã là điều mà rất nhiều xưởng game phải tính trước khi phát hành sản phẩm tới thị trường – đặc biệt là những cái tên có quy mô lớn.
Tại sao game thủ lại bomb review?
Vậy tại sao game thủ lại hay bomb review như thế, đặc biệt là trong khoảng thời gian tựa game đó chỉ vừa mới ra mắt và khác với reviewer từ các bên chuyên nghiệp – những người nhận được bản game trước ngày chính thức phát hành, game thủ thông thường khó có thể trải nghiệm hết trò chơi để đưa ra đánh giá chính xác? Theo mình thì sẽ có thể chia những nguyên nhân tạo nên bomb review làm hai đầu mục lớn như sau:
Quá thất vọng với game trên nhiều phương diện
Sự thất vọng ở đây có thể tới từ nhiều yếu tố xoay quanh tựa game đó. Một số như trong tựa game mới ra mắt The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom hay bom tấn của năm ngoái là God of War: Ragnarok, thì lý do mà nhiều người đưa ra là họ cảm thấy gameplay, cơ chế hay nhân vật của những hậu bản này lặp lại quá nhiều so với phần trước.
Ngoài ra, đó cũng có thể là những yếu tố bên lề cốt lõi của game, ví dụ như các chương trình khuyến mại hay sự kiện cộng đồng được cho là yếu kém. Điển hình chính là Genshin Impact, cụ thể là ở sự kiện kỉ niệm sinh nhật 1 năm của game (2020), miHoYo đã khiến cộng đồng thế giới phải thất vọng với phần quà tri ân bị xem là “keo kiệt, không tương xứng với tầm vóc”.
Hoặc cũng có khi, đó lại là do tựa game không thể chiều lòng một bộ phận người chơi, thường là khá lớn trong khu vực hoặc trên thế giới. Chẳng hạn như với Total War Warhammer III, tựa game này đã nhận phải vô vàn gạch đá từ cộng đồng Trung Quốc do phương hướng truyền thông gây mất lòng, trong khi đây lại là một sản phẩm được ưa thích tại quốc gia này.
Nhìn chung, có rất nhiều cách để bạn thất vọng về một sản phẩm nào đó. Và khi rất, rất nhiều người cùng cảm thấy như bạn, đó là lúc làn sóng bomb review bắt đầu.
Thành kiến với những yếu tố liên quan tới game (Nhà phát hành, yếu tố chính trị, v.v.)
Trong thế giới game, có không ít sản phẩm không may nhận phải ác cảm từ người chơi từ thuở còn… trứng nước. Đơn giản là vì chúng quá đen, từ khi thai nghén mà đã phải gắn với những yếu tố ngoài lề nhạy cảm với cộng đồng game hay thậm chí là toàn xã hội ở một thời điểm nhất định, dẫn tới việc họ chỉ chực chờ game ra mắt là “dội bom”.
Đó có thể là khi tựa game ấy gắn với những nhà phát hành khó ưa, nổi tiếng với việc “hút máu” hoặc có chất lượng sản phẩm đi xuống theo thời gian. Ví dụ điển hình có thể kể tới điển hình có thể kể tới FIFA gắn với EA hay Assassin’s Creed gắn với Ubisoft, v.v, bậc sinh thành của chúng chỉ cần… thở thôi cũng đủ để “ăn gạch” rồi.
Hoặc có thể game cũng dính dáng tới các yếu tố xã hội, chính trị,… cái này nhạy cảm ra sao thì khỏi bàn rồi. Ví dụ gần đây có thể kể tới DLC Horizon Forbidden West: Burning Shores với mối quan hệ đồng tính của Aloy, hay mới hơn nữa là Hogwarts Legacy khi nó bị gắn với tác giả của bộ tiểu thuyết Harry Potter là J.K. Rowling cùng những phát ngôn của bà về kì thị người chuyển giới.
Hoặc cũng có thể, đó đơn giản chỉ vì game đó là sản phẩm độc quyền trên một hoặc một vài nền tảng thay vì “phổ cập” tới toàn bộ người chơi – ví dụ như Marvel’s Spider-Man. Tuy nhiên với xu hướng game độc quyền dần đổ bộ lên PC những năm gần đây, câu chuyện này cũng dần lắng xuống và nhường chỗ cho những vấn đề khác như đã nói.
Tác động lớn của Bomb Review
Trong thời buổi mà sự cạnh tranh đang lên cực kỳ cao, điểm số review trở nên quan trọng, phần đông tác giả dù ở lĩnh vực nào cũng sẽ cảm thấy đau đầu khi sản phẩm của mình phải nhận về đánh giá tiêu cực. Hiểu được sức ảnh hưởng của mình, nhiều người chơi đã sử dụng bomb review như một hình thức tấn công hiệu quả, và với việc những nền tảng đánh giá vận hành tự động thì “mục tiêu” sẽ phải xuống đáy xã hội trong một thời gian, đủ để tạo ra tác động lớn tới nhà phát triển.
Nếu đã từng tập tành kinh doanh trên MXH hay các nền tảng TMĐT như Shopee, Lazada, v.v. hẳn bạn cũng hiểu mức độ nghiêm trọng của đánh giá một sao rồi. Có khi chỉ vì một hay một vài đánh giá như vậy thôi thì từ điểm số trung bình, thứ hạng của cửa hàng cho tới mức độ hiển thị khi tìm kiếm,… Tất cả đều sẽ xuống dốc và không dễ để trở lại như cũ.
Áp dụng vào câu chuyện bomb review, ảnh hưởng của chúng lên các tựa game cũng gần như vậy. Việc phải liên tục nhận về những đánh giá tiêu cực chắc chắn sẽ để lại vấn đề lên nhiều đối tượng liên quan đến sản phẩm ấy.
Ảnh hưởng tới người chơi muốn tiếp cận game
Khi nhận phải bomb review, game sẽ để lại ấn tượng xấu với nhiều người chơi, đặc biệt là những ai có nhu cầu tìm hiểu về nó. Thời nay, việc ai đó mua một tựa game bom tấn để chơi vì tò mò là không hiếm, và việc thấy những đánh giá ban đầu tiêu cực sẽ khiến họ phần nào chùn chân – giống như khi chúng ta đọc review sản phẩm trên các trang TMĐT trước khi mua.
Đúng là khi đối mặt với bomb review trên các nền tảng đánh giá, chúng ta cần phải tìm hiểu đi vào từng nhận xét cụ thể, nhưng liệu người chơi, đặc biệt là người mới, có đủ kiến thức, trải nghiệm và nhất là thời gian để đánh giá những bình luận họ đọc là đúng hay sai? Chính vì vậy nên xu hướng ngờ vực của họ sẽ tăng lên, và việc không mua game sẽ là giải pháp an toàn nhất.
Ảnh hưởng tới doanh số của game
Và khi game thủ đưa ra quyết định như trên, các nhà phát triển/phát hành sẽ phải chịu những ảnh hưởng nhất định về kinh tế. Tất nhiên, nếu game đó thực sự hay thì vẫn sẽ có nhiều người chơi sẵn sàng chi tiền, nhưng việc mất đi lượng người chơi mới cùng khoản thu nhập tiềm năng từ họ chắc chắn không phải điều tốt, đặc biệt là ở giai đoạn sản phẩm mới ra mắt, còn nóng hổi.
Bomb review có phải lúc nào cũng xấu?
Tất nhiên, điều gì cũng sẽ có những trường hợp ngoại lệ và bomb review cũng vậy. Nếu những đánh giá của cộng đồng khi “bomb” thực sự đi đúng trọng tâm thay vì chỉ mang mục đích “dìm hàng”, bomb review sẽ lại trở thành công cụ hữu hiệu để game thủ đòi hỏi quyền lợi. Minh chứng thì không đâu xa, rất nhiều game bom tấn như Wo Long, Wild Hearts, Forspoken hay Hogwarts Legacy đã gặp phải vấn đề về hiệu năng khi port lên PC, và những đánh giá tiêu cực sẽ là cách để chúng ta nói lên tiếng lòng với nhà phát triển, qua đó nhanh chóng có được các bản vá để ổn định trải nghiệm.
Hay với một số tựa game Online có cơ chế Sự kiện, việc các nhà phát triển đem lại những phần quà không tương xứng sẽ khiến cảm giác vui thú giảm đi đáng kể. Khi đó, làn sóng đánh giá như trên cũng là một cách để game thủ phản ứng. Còn nhớ ở sự kiện kỷ niệm 1 năm Genshin Impact như đã nói, chính việc bomb review tựa game này trên mọi nền tảng đã khiến miHoYo thay đổi. Cụ thể thì họ đã tăng thêm quà tặng trong sự kiện này, khiến người chơi, phần nào, hài lòng hơn.
Qua những tổng hợp kể trên, có thể thấy rằng bomb review thực chất cũng như một đồng xu, có cả mặt xấu lẫn mặt… không xấu lắm. Cảm giác tiêu cực mà hành động này mang lại thực chất phần nhiều đến từ tên gọi (bomb review), cũng như cách mà nhiều người đang sử dụng nó – đưa ra những bình luận với thông tin sai lệch hay đơn giản là vô nghĩa, chỉ để thể hiện sự tức giận mà nhiều khi là tới từ những lý do “trời ơi đất hỡi”.
Nếu được dùng đúng cách, bomb review hoàn toàn có thể trở thành phương pháp hiệu quả để game thủ đòi hỏi quyền lợi chính đáng, vì chẳng có gì trực quan hơn ở thời điểm hiện tại ngoài điểm số và màu sắc – chẳng hạn như màu Đỏ chết chóc ở phần User Score trên Metacritic chẳng hạn.
Tất nhiên, chúng ta không thể kiểm soát được tất cả những bình luận trên mạng xã hội, nhưng mỗi người hoàn toàn có thể chủ động làm điều đó để khiến những nhận xét, dù có tiêu cực, trở nên văn minh hơn. Điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm là có trách nhiệm với từng bình luận của mình, ít nhất hãy khiến nó có nội dung đủ rõ ràng để thể hiện quan điểm với đội ngũ phát triển.
Kết bài
Về cơ bản, đó là những gì mình muốn chia sẻ về bomb review, một con dao hai lưỡi đang được game thủ sử dụng rất nhiều trong quá trình trải nghiệm game hiện nay. Nếu thấy bài viết này thú vị, đừng ngần ngại share và Comment để mình biết điều đó nhé. Và nếu muốn đọc thêm những bài viết về Bóng đá, Khoa học cũng như rất nhiều chủ đề khác, đừng ngần ngại kéo lên trên và ghé qua các đầu mục được đặt tại đó nhé.