Mặc dù là một tựa game Esports lâu đời, nhưng tới nay CS:GO vẫn chưa thực sự được công nhận tại Việt Nam như một bộ môn chuyên nghiệp. Trong khi nhiều sản phẩm, bao gồm cả đối thủ của CS:GO là VALORANT, đã được đưa vào các ngày hội thể thao lớn, “con ghẻ” của Valve vẫn chưa thể ra mặt vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, rất có thể mọi thứ sẽ khác khi Counter Strike 2 (CS2) xuất hiện, cụ thể là tương lai về một nhà phát hành chính thức cho thị trường Việt theo người viết là đang sáng tỏ hơn bao giờ hết.

Tới đây sẽ có nhiều người phủ nhận tầm quan trọng của nhà phát hành, vì ngay cả khi không có họ thì CS:GO vẫn chơi được bình thường tại Việt Nam. Tuy nhiên sâu xa hơn thì mọi chuyện không chỉ dừng ở đó, việc được “danh chính ngôn thuận” xuất hiện tại mảnh đất hình chữ sẽ đem tới cho không chỉ tựa game, mà cả game thủ chúng ta nhiều trải nghiệm chuyên nghiệp, thú vị và sôi động hơn hiện tại rất nhiều.

Những dấu hiệu khả quan

Thực ra điều này đã có thể nghĩ tới từ lâu, cụ thể là từ năm ngoái khi VTVCab quyết định lấn sân Esports với dự án On Gaming. Đây là đơn vị được cho là đã chi “tiền tấn” độc quyền rất nhiều giải CS lớn tại Việt Nam, khiến cả những kênh sóng lâu đời cũng khó cạnh tranh. Với mức độ chỉn chu cao về nhân sự và chất lượng phát sóng, lại còn là do nhà đài đầu tư, On Gaming rất có thể là sự chuẩn bị cho điều gì đó rất lớn. Một đối tác rất “khủng” thì sao nhỉ?

Luận điểm ban đầu càng được củng cố khi chúng ta nhìn vào landing page dưới đây của CS2, một phiên bản bằng tiếng Việt với dịch thuật tương đối hoàn thiện. Thậm chí các video giới thiệu tính năng của Source 2 cũng có phụ đề Việt, không hề là tự động dịch. Dộng thái này cũng giống cách mà Apple được cho là đang mở rộng quy mô tại thị trường nước ta, thể hiện ở kênh YouTube và rất nhiều TVC làm bằng tiếng Việt. Liệu Valve cũng sẽ có ý đồ tương tự? Có thể lắm chứ.

Ngoài ra, việc có sẵn cổng thanh toán VTC Pay liên kết với Steam cũng là một yếu tố quan trọng, vì Valve chắc chắn sẽ muốn mọi giao dịch vi mô (microtransaction) liên quan tới CS vẫn sẽ phải chảy qua client chính chủ thay vì một bên thứ ba. Mình tính đến đây cũng đặt luôn giả thuyết nhà phát hành là VTC, nhưng vì vẫn còn những thắc mắc khác nên tạm dừng ở đây đã.

Những ảnh hưởng tích cực tiềm năng

Vậy việc CS2 phát hành tại Việt Nam sẽ có ảnh hưởng ra sao tới game thủ? Theo người viết thì trước tiên, điều này sẽ khiến cho các phong trào CS trong cộng đồng sôi động trở lại, chiều lòng nhiều người chơi đam mê. Ở thời kỳ hoàng kim của CS:GO cộng đồng tại nước ta (2015 – 2017), rất nhiều giải đấu đã được tổ chức tại những cyber có tiếng. Cũng chính từ đó, nhiều tuyển thủ nổi tiếng đã xuất hiện và tỏa sáng.

Ngoài ra, việc có nhà phát hành tại Việt Nam theo người viết còn có thể mở đường cho những giải đấu lớn của CS2 tới với nước ta. Đây cũng có thể là điều Valve muốn làm, đặc biệt khi hệ thống VCT theo từng quốc gia, khu vực tại châu Á của VALORANT đã giúp cho rất nhiều đội tuyển có tiếng nổi lên, thành công và đem lại không ít sự chú ý từ khu vực đông đúc này.

Hơn nữa, việc có nhà phát hành sẽ khiến CS2 có cơ hội cao hơn để tới những ngày hội thể thao lớn trong nước hoặc trong khu vực như SEA Games. Dù việc Việt Nam có đưa các môn thi FPS vào hay không khi làm chủ nhà vẫn là dấu hỏi, nhưng việc được cân nhắc bởi những người đứng đầu cũng sẽ khiến bộ môn này tại Việt Nam có tiềm năng phát triển hơn ở khía cạnh chuyên nghiệp.

Cuối cùng, việc có nhà phát hành chính thức cũng giúp các hoạt động cộng đồng về Counter Strike được tổ chức nhiều và chỉn chu hơn. Một số có thể kể tới xem chung các giải đấu lớn (watch party), tặng quà (giveaway) hay những giải đấu cộng đồng như đã nói ở trên.

Tuy nhiên, mọi thứ là không hề dễ dàng

Tuy nhiên nếu muốn nghĩ tới viễn cảnh như trên, Valve cùng nhà phát hành sẽ còn phải làm rất nhiều điều. Lý do là vì hiện tại, CS Việt Nam chưa có một cú hích đủ lớn để tái sinh ở khía cạnh chuyên nghiệp. Lần gần nhất Việt Nam ghi dấu ấn với bạn bè thế giới đã cách đây 8 năm, với việc đội quân huyền thoại SkyRed góp mặt tại giải đấu cấp độ Major là DreamHack Open Stockholm 2015. Và phải tới khi điều này diễn ra, chúng ta mới có thời kỳ hoàng kim của CS như đã nói ở trên.

Hiện tại, rất khó để xác định tình trạng thực sự của người chơi CS tại Việt Nam. Tuy nhiên có thể khá chắc một điều rằng mọi thứ đã phần nào bớt đi sự “máu lửa”, và một nguồn động lực đủ mạnh sẽ là điều cực kỳ cần thiết – cũng là thứ mà Valve cùng NPH cần phải tạo ra để game thủ có thể quan tâm, chơi và thi đấu trở lại, tạo nền nền tảng vững chắc cho tương lai.

Tạm kết

Vậy là từ khâu truyền thông, phổ cập giải đấu cho tới những yếu tố nhỏ nhất như hệ thống thanh toán đều hướng đến game thủ Việt, việc CS2 sẽ có nhà phát hành chính thức tại nước ta đang ngày một khả thi. Dẫu còn nhiều khó khăn để có được những viễn cảnh đẹp cho cộng đồng Counter Strike nước ta nhưng hãy thử lạc quan một lần, dù sao bài viết này cũng chỉ là một giả thuyết thú vị mà thôi.

Và đó là những gì mà người viết mình muốn chia sẻ về cách mà rất có thể, CS2 sẽ được phát hành chính thức tại Việt Nam để thổi bùng ngọn lửa đam mê trong cộng đồng. Bạn đọc có đồng ý hay không, đừng ngần ngại chia sẻ ở các bài đăng nhé.

Ảnh: Game8.vn

By Công Minh

Chẳng chóng thì chày thì cũng 30; nhưng mình vẫn có niềm đam mê lớn với đồ chơi, đồ công nghệ, thẻ bài, bóng đá,... và thích viết dài, viết mãi để nói về chúng.

Related Post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *