Kể từ ngày đầu được tung ra thị trường, Monsgeek M1 đã trở thành một trong những mẫu bàn phím cơ được quan tâm nhiều nhất. Đơn giản vì chỉ với mức giá chưa tới 2 triệu Đồng, nhưng sản phẩm này lại sở hữu quá nhiều điểm mạnh vốn chỉ xuất hiện ở phân khúc cao cấp. Ở thời kỳ “hoàng kim” của bàn phím Monsgeek M1, chuyện cháy hàng là điều xảy ra như cơm bữa. Thừa thắng xông lên, Monsgeek tiếp tục nâng cấp sản phẩm của mình với khả năng kết nối không dây để phù hợp hơn với xu thế – cũng chính là Monsgeek M1W mà chúng ta đang có lúc này.

Tới nay, Mongeek M1W đã có được tới phiên bản thứ 2, kế thừa xuất sắc thành công mà dòng M1 thường có được. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà sản phẩm này lại làm được điều đó vì khi mổ xẻ, chúng ta sẽ thấy được sự nghiêm túc của Monsgeek với cái tên đầy tiềm năng này: Chỉn chu hơn, hợp thời hơn, nâng cấp cũng đáng giá hơn.

Về Monsgeek

Mặc dù tới nay, Monsgeek đã không còn là cái tên quá xa lạ với các “dân chơi” phím cơ, nhưng dành cho những ai chưa biết thì đây là thương hiệu con của Akko – tên tuổi tới từ Trung Quốc vốn đã “nhẵn mặt” với người dùng công nghệ. Monsgeek được thành lập với định hướng bán ra các sản phẩm bàn phím phân khúc giá rẻ, dễ tiếp cận hơn với người dùng, cụ thể là với khoảng giá thường là từ 2 triệu Đồng trở xuống.

Bản thân Monsgeek M1 series cũng từng được coi là phiên bản “giá rẻ” của Akko MOD007 v2 – dòng phím Nhôm đắt tiền của Akko với mức giá lên tới 4 triệu Đồng. Mặc dù sự ra đời của dòng phím này là bắt nguồn từ một… tai nạn, cụ thể là khi Akko đã phải “tái chế” những chiếc MOD007 v2 lỗi do vấn đề chất lượng, nhưng đó vô tình lại đem đến cho chúng ta một loạt sản phẩm cực kỳ chất lượng mà giá lại rất hợp ví tiền.

Thiết kế Monsgeek M1W

Về thiết kế, Monsgeek M1W tỏ ra không quá khác biệt so với những thế hệ đi trước. Chúng ta vẫn sẽ có một chiếc phím với layout 75% vỏ Nhôm dày dặn, được CNC tinh xảo không kém bất kỳ một dòng sản phẩm đắt tiền nào. Khác biệt đáng chú ý nhất của sản phẩm này có lẽ sẽ là chất lượng anode, khi so với phiên bản Monsgeek M1 mà người viết từng đánh giá thì nó mịn hơn rất nhiều, thay vì vẫn còn sần sần tạo cảm giác ghê tay.

Nhìn kỹ trên phần vỏ này thì những hiện tượng như tróc sơn, trầy chấm bi, v.v. là gần như không thấy. Đây cũng chính là cơn đau đầu mà nhiều nhà bán lẻ từng phải chịu với những lô hàng Monsgeek M1, khi việc kiểm soát chất lượng với dòng phím này ở những thế hệ đầu đã gặp vấn đề khá nghiêm trọng, tuy nhiên mọi thứ giờ đây hứa hẹn sẽ khác.

Nhìn chung, không có quá nhiều điều để nói và chê trách về bộ vỏ của Monsgeek M1W, khi nó vẫn duy trì được khả năng hoàn thiện tương đối tốt như ở các thế hệ trước. Không phải ngẫu nhiên khi mặc dù đang có rất nhiều các mẫu phím Nhôm giá rẻ được ra mắt mỗi ngày, nhưng Monsgeek M1W nói riêng và các sản phẩm cùng dòng nói chung vẫn được đặt ở một vị trí cao hơn hẳn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nhược điểm có thể thấy được nếu bạn là người dùng kỹ tính, chẳng hạn như việc hai miếng kim loại ở hông phím vẫn hơi lắc một chút, hay việc một số điểm trên mối nối giữa khung trên (top frame) và khung dưới (bottom frame) là chưa quá khít, có thể tạo ra những tiếng ping nhẹ khi gõ thử – tuy nhiên điều này hoàn toàn có thể khắc phục thông qua các bài mod force break.

Ngoài ra, việc vẫn để cổng USB-C thụt sâu vào trong cũng là một điểm trừ, khi điều này sẽ khiến việc sử dụng các mẫu dây coil có đầu cắm lớn là gần như không thể. Xem ra việc nắm bắt thói quen người dùng vẫn sẽ cần được đầu tư hơn bởi Monsgeek. Thay vào đó, chúng ta sẽ chỉ có thể dùng đoạn dây đi kèm. Đây chính là mẫu cáp xoắn rời vỏ cao su của Akko vẫn được bán rất nhiều ngoài thị trường.

Vẫn như các sản phẩm Monsgeek M1 khác, bộ vỏ của M1W sẽ có trọng lượng khá nặng, cụ thể là sẽ vào khoảng 2.2kg. Điều này khiến sản phẩm sẽ thích hợp để nằm yên một chỗ tại góc setup của chúng ta thay vì được mang đi qua lại. Với các game thủ thì cân nặng này sẽ có thể là một trở ngại trong việc trải nghiệm phím, đặc biệt là với những ai chơi FPS thường xuyên phải đề phím chéo ra.

Switch và keycap của Monsgeek M1W

Switch và keycap cũng là một trong những điểm được nâng cấp trên Monsgeek M1W, với chất lượng và ngoại quan được cải thiện để phù hợp với thị hiếu của người dùng. Về switch, phiên bản mà người viết đang dùng sẽ sử dụng là Akko CS Piano v3 – một trong những mẫu switch được đánh giá rất cao bởi cộng đồng người chơi nhờ độ mượt mà, chắc chắn cùng âm thanh khá đanh và thích tai.

Để có được những ưu điểm kể trên, hãy đi sâu vào kết cấu của mẫu switch này. Nhờ được làm dưới dạng box, chân stem của Akko CS Piano v3 tỏ ra khá vững, rất ít lọc xọc khi bấm. Nhờ vậy nên khi lắm keycap vào và gõ, các tiếng động lạ sẽ được hạn chế gần như tối đa, giúp điểm mạnh về độ đanh của switch này được phát huy tốt nhất.

Còn về độ mượt, đó là nhờ việc Akko CS Piano v3 đã được lube sẵn từ trong nhà máy. Vẫn sẽ có một chút tiếng ping cũng như cảm giác hơi “dính” do dầu lube, tuy nhiên tùy từng người mà điều này sẽ gây khó chịu hay không. Ít nhất là vì đã được lube sẵn, Akko CS Piano v3 sẽ không đòi hỏi bạn phải làm lại sau khi mua về, trừ khi bạn là người cực kỳ kỹ tính.

Với những phiên bản mới, Monsgeek cũng đã cập nhật cho các sản phẩm của mình các dạng keycap độc đáo hơn. Phiên bản người viết đang trải nghiệm sẽ có keycap Ninja – ký tự được in ở mặt bên, mặt trên sạch bóng, sử dụng chất liệu nhựa PBT và được in Doubleshot.

Với tông màu pastel nhẹ nhàng, tinh tế, keycap của Monsgeek M1W sẽ hấp dẫn được nhiều đối tượng sử dụng. Đặc biệt là với các bạn nữ thích sự “hường phấn”, màu Hồng pastel như người viết đang trải nghiệm sẽ là thật khó để chối từ. Ngoài ra, ký tự trên keycap này còn có khả năng xuyên LED, giúp người dùng làm việc vào ban đêm vẫn có thể nhìn rõ.

Tính năng của Monsgeek M1W

Về tính năng, Monsgeek M1W sẽ có khả năng kết nối thông qua ba chế độ là có dây, Bluetooth và dongle 2.4GHz. Đồng thời, sản phẩm cũng tương thích với đa dạng hệ điều hành như Windows cũng như là cả macOS. Để có thể điều chỉnh giữa các chế độ, chúng ta sẽ cần sử dụng tới một chiếc cần gạt, và điểm đặc biệt ở đây là nó lại được đặt ở… bên cạnh chân switch của nút Caps Lock – rất khó để tìm thấy và cũng bất tiện khi cần dùng.

Về khả năng tháo lắp, mạch của Monsgeek M1W sẽ là mạch xuôi, giúp người dùng tránh được hiện tượng cấn switch hay cấn các mẫu keycap Cherry. Việc dùng mạch xuôi cũng sẽ khiến cho bóng LED của mạch được đặt ở bên dưới, giúp việc xuyên LED với keycap Ninja được dễ dàng.

Ngoài ra, mạch này cũng sẽ hỗ trợ hotswap với cả switch 3 chân và 5 chân. Socket hotswap được sử dụng ở đây sẽ tới từ Kailh, một cái tên đã tương đối quen mặt với các hãng sản xuất và rất được tin dùng vì chất lượng và độ ổn định.

Kết cấu bên trong của Monsgeek M1W

Về kết cấu bên trong, Monsgeek M1W trước hết sẽ có phần mạch và plate PC, tương tự với Monsgeek M1. Điều này kết hợp với viền gasket silicon sẽ tạo nên độ nhún, tuy nhiên có vẻ so với M1 thì độ nhún ở đây lại không bằng. Kết hợp với phần switch hơi hướng clacky so với creamy mềm xốp trước đây, dường như Monsgeek đang muốn đem tới trải nghiệm sử dụng “lột xác” với M1W: Chắc chắn hơn, mạnh mẽ hơn.

Kênh YouTube của ThinkPro đã có video “mổ bụng” chiếc phím này để khám phá kết cấu bên trong, bạn đọc có thể xem ở bên dưới:

Phía dưới mạch phím sẽ là hai lớp foam. Ở phiên bản M1 thì đây sẽ là lớp “vật liệu tự nghiên cứu” của Akko, cho ra cảm giác tốt như Poron, tuy nhiên với ThinkPro thì nó không khác nhiều so với Poron là bao. Lớp thứ hai thì sẽ là một phần xốp tương đối mỏng, cảm giác giống như bìa cứng hơn. Điều này không quá quan trọng vì đáy của phím là rất đặc, chỉ có một khoảng trống duy nhất để đưa vào viên pin dung lượng 6.000 mAh.

Stab của Monsgeek M1W

Tương tự như các phiên bản M1 trước đó, stab của Monsgeek M1W vẫn sẽ là dạng plate-mount, gắn trực tiếp vào plate để dễ dàng thay thế. Stab này cũng đã được lube sẵn từ trong nhà máy để đem lại trải nghiệm mượt mà hơn, mà theo nhận xét của reviewer trực tiếp tháo phím thì lớp lube này là tốt hơn nhiều so với trên các stab M1 cũ.

Tuy nhiên nếu khó tính thì khi dùng, chúng ta vẫn sẽ thấy phần stab này bị tick nhẹ, một điểm khó hiểu dù cho lớp dầu lube ở đây đã là khá nhiều. Bạn có thể chọn làm lại phần stab này để dùng cho mượt hơn, nhưng cũng có thể để nguyên vì xét trên phương diện một chiếc phím pre-built, stab của M1W vẫn ở chất lượng chấp nhận được.

Âm thanh khi gõ trên Monsgeek M1W

Nếu như với Monsgeek M1, việc độ theo hướng âm xốp xốp, mềm mềm (creamy) sẽ là điều được ThinkPro khuyên tới người dùng thì với M1W, mọi thứ gần như là ngược lại hoàn toàn. Với M1W, việc độ theo hướng âm đanh, nổ, trầm (clacky) sẽ lại là tối ưu hơn cả. So với M1, cảm giác gõ trên M1W dù để nguyên foam đáy và foam PCB thì cũng không bị tịt, cộng thêm switch Akko CS Piano v3 thuần clacky khiến cho phong cách này càng thêm hợp lý.

Với những ai làm công việc cần gõ văn bản nhiều, tiếng clacky gọn gàng vui tai sẽ như một “liều thuốc tinh thần” thú vị, giúp tăng cảm hứng làm việc lên trông thấy.

Tạm kết

Và đó là Monsgeek M1W, bản nâng cấp “tưởng không khác nhưng lại khác không tưởng” của dòng phím M1 đã rất thành công trước đó. Vẫn giữ lại những gì làm nên thành công của dòng sản phẩm, nhưng với một vài tinh chỉnh thì Monsgeek đã khiến mẫu phím này có thể đi theo một hướng hoàn toàn mới, đem lại trải nghiệm khác biệt hơn, thú vị hơn tới người dùng đại chúng.

Tất nhiên, vẫn còn những sự khó hiểu nhất định tới từ hãng trong việc tối ưu trải nghiệm cho người dùng. Mặc dù vậy, nếu là một “dân chơi” đích thực, chỉ quan tâm tới âm thanh, thì đây vẫn sẽ là một sản phẩm tương đối đáng mua – dù để dùng ngay hay làm lại thì cũng đều tốt cả.

By Công Minh

Chẳng chóng thì chày thì cũng 30; nhưng mình vẫn có niềm đam mê lớn với đồ chơi, đồ công nghệ, thẻ bài, bóng đá,... và thích viết dài, viết mãi để nói về chúng.

Related Post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *