Đây là E-Dra EK375 Pro, một chiếc bàn phím cơ thương hiệu Việt với mức giá chỉ hơn 1 triệu Đồng, và mình nhận được sản phẩm này từ đại diện của hãng kèm lời dặn dò: “Cứ chia sẻ thoải mái theo cảm nhận cá nhân”. Trước hết, xin được gửi lời cảm ơn E-Dra vì đã tin tưởng hệ thống kênh của Minh May Mắn. Sau thì với mình, việc thẳng thắn để hãng cải thiện sản phẩm cũng là cần thiết, đặc biệt khi đích đến của E-Dra với EK375 Pro lại là phân khúc giá rẻ với tính cạnh tranh đang là cực kỳ cao.
Và sau khi đã trên tay chiếc phím này khoảng một tháng thì với mình, EK375 Pro là một sản phẩm có tiềm năng bùng nổ, ít nhất là so với phím cơ nói chung của thương hiệu này. Tuy nhiên thì để kịch bản ấy xảy ra, E-Dra sẽ cần lưu tâm tới một vài yếu tố quan trọng mà mình sẽ chỉ ra trong bài trải nghiệm này. Vậy E-Dra EK375 Pro có gì đáng giá, và làm thế nào để sản phẩm này chạm tới đúng giá trị của mình? Hãy cùng tìm hiểu ngay bây giờ nhé.
Thiết kế: Đơn giản, an toàn và vừa đủ
Về thiết kế thì nếu để mô tả cho người mới chơi phím cơ, có thể gói gọn sản phẩm này trong một câu ngắn: Đơn giản nhưng đầy đủ. Bên trong thân hình vuông vắn này sẽ là layout 75 phím quen thuộc, với đầy đủ hàng phím chữ, phím F, mũi tên và vài nút chức năng cơ bản, đủ dùng cho đa dạng tác vụ. Màn hình LCD nhỏ nhắn ở góc phải trên sẽ là nơi hiển thị mọi thông tin quan trọng của bàn phím như hình thức kết nối, hệ điều hành hỗ trợ,… và đặc biệt là những video hay hình ảnh theo ý thích của riêng bạn.
Còn dành cho những người có kinh nghiệm chơi phím thì khỏi cần mô tả thêm: EK375 Pro giống chiếc Monka 3075 v2 Pro tới 95%. Nếu đã xem video đầu tiên của kênh mình về bàn phím cơ, chắc bạn cũng sẽ hiểu hơn điều này. Khác biệt lớn nhất giữa hai dòng phím kể trên có chăng là ở cách phối màu, cũng như logo của thương hiệu được in ở mặt đáy, cạnh hông và hiện lên trên màn hình khi bật nguồn phím mà thôi.
Với việc học hỏi tối đa từ một trong những sản phẩm “hot hit” hàng đầu phân khúc, EK375 Pro cũng sở hữu nhiều ưu điểm quan trọng tương tự sản phẩm nhà Monka. Cụ thể là từ tính năng, kết cấu, độ chắc chắn của vật liệu, v.v. cộng thêm việc có bảo hành chính hãng 12 tháng tại Việt Nam, thậm chí không sai khi nói nếu so ở dạng kit phím, thì mua EK375 Pro còn có lợi thế lớn hơn so với Monka 3075 v2 Pro.
Tuy nhiên, điều này cũng khiến EK375 Pro kế thừa luôn một số điểm chưa hay trên 3075 v2 Pro mình có đánh giá lần trước. Ví dụ như phần rãnh đi dây đường kính còn khá hẹp, rất khó để người dùng gắn những sợi dây custom với đường kính lớn. Ngoài ra thì cổng C của sản phẩm cũng được làm sâu vào phía trong, cũng phải thông qua một khe hẹp khác. Với những mẫu dây custom có đầu dây lớn thì việc đưa vào cũng là bất khả thi.
Mặc dù phím có nhiều chế độ kết nối không dây, và trong hộp cũng có sẵn một sợi dây Type-C để người dùng sử dụng, nhưng việc dùng dây custom đã thuộc về sở thích của rất nhiều người chơi phím. E-Dra có thể nghiên cứu điều này và yêu cầu nhà xưởng tối ưu hơn về thiết kế, ví dụ như đẩy hẳn cổng C ra ngoài, rất có thể sẽ khiến chiếc phím được đón nhận nhiều hơn nữa.
Nhìn chung, E-Dra có thể nói là đã “chọn đúng nền văn minh” khi tạo nên EK375 Pro. Câu chuyện tương đồng về ngoại hình, thiết kế,… của các sản phẩm công nghệ giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc âu cũng không còn là hiếm, nhưng quan trọng là hãng đã chọn được nguyên mẫu với chất lượng đủ tốt, cũng như đính kèm hình thức bảo hành tiện lợi hơn nhiều so với các đối thủ từ thị trường xách tay – sau cùng vẫn là có lợi cho người dùng chúng ta mà thôi.
Hơn nữa, mình cũng khá là ấn tượng về cách phối màu Xanh Đậm – Đen của sản phẩm, gợi nhớ lại thời kỳ hoàng kim của các sản phẩm Keydous với phiên bản NJ80 và NJ81. Giá như E-Dra có thể phối thêm một màu nữa cho sản phẩm theo cái màu Đỏ Đô ở dưới nắp đáy, bắt cặp với màu Đen thì trông không khác gì gắn keycap Samurai.
Kết cấu: Không nằm ngoài khuôn mẫu
Về kết cấu bên trong của EK375 Pro thì từ đầu, mình dự đoán là nó sẽ không có khác biệt so với chiếc Monka 3075 v2 Pro. Nếu không có gì thay đổi thì chúng ta vẫn sẽ có hai lớp silicon, một ở PCB và một ở đáy, đi kèm kết cấu là gasket. Thực tế thì mọi thứ gần như chính xác, ngoại trừ việc lớp silicon ở đáy được thay bằng một lớp xốp mỏng. Điều này khiến cho tiếng của các switch khi lắp trên EK375 Pro sẽ được vang hơn, thay vì gọn và đặc lại như khi dùng silicon.
Hơn nữa, lớp xốp này cũng giúp cho E-Dra EK375 Pro nhẹ hơn một chút so với Monka 3075 v2 Pro, tiện hơn với những ai hay mang vác. Bù lại thì bên trong chiếc phím này sẽ hơi rỗng, ai khó tính gõ vào thì sẽ thấy chưa ok lắm. Kết cấu gasket vẫn sẽ được sử dụng, ngoài đem lại cảm giác hơi nhún thì còn giúp buồng âm đều hơn, qua đó tiếng cho ra sẽ hay hơn khi được lắp một vài mẫu switch ngon, bổ, rẻ – lát mình sẽ giới thiệu.
Nhìn chung thì công thức thành công của Monka trong clip trước vẫn sẽ được áp dụng, một hướng đi dễ hiểu và an toàn tới từ E-Dra. Cơ mà để có thể trở thành một chiếc bàn phím cơ chất lượng, EK375 Pro sẽ còn phải làm tốt ở nhiều yếu tố khác, và đây cũng là lúc những vấn đề xuất hiện.
Switch: Đáng lẽ phải tốt hơn
Nếu mình nhớ không nhầm thì bên cạnh việc làm phím, E-Dra cũng đã từng bán ra một vài mẫu switch của riêng thương hiệu này. Nghe rất là hay đúng không nào, cơ mà tại sao chúng lại không xuất hiện ở đây, mà thay vào đó lại là những chiếc switch… bất ổn như thế này? Có khá nhiều vấn đề với switch mặc định của EK375 Pro, và đầu tiên thì đó là việc chúng cực kỳ khó rút. Phần chân switch cứ ra đến nửa chừng là kẹt lại, và chỉ có cách là nhổ thật dứt khoát thì mới được, dù có dùng cây nhổ đi kèm hộp hay bất kỳ công cụ nào khác.
Nghe mình mô tả thì chắc hẳn, một vài bạn sẽ sợ là switch gãy chân, vỡ housing đúng không? Tin vui là không lo mấy thứ đó vì mình thay được hết rồi, không dính, còn tin buồn là housing khi đó thay vì gãy thì sẽ có nguy cơ bị nứt. Lời khuyên của mình là cứ căng tay lên mà tháo, nhưng là căng khi rút chứ đừng bóp quá mạnh vào hai bên housing.
Một phần lý do mà mình cần cả tháng để đánh giá sản phẩm này là để xem sau khi đã vài lần thay switch, vấn đề khó tháo có được giải quyết hay không. Và tình hình có vẻ là… hên xui, khi một số nút sẽ rất dễ tháo, một số thì vẫn cứng ngắc như ngày đầu tiên. Có vẻ, điều này là do E-Dra đã làm chân socket khít quá, nên việc rút switch ra là rất khó do chân switch đã bị gắn chặt vào lỗ.
Vấn đề thứ hai với chiếc switch này chính là âm thanh, khi âm phát ra còn khá sạn, đôi lúc lẫn cả tiếng ping của lò xo. Cảm giác bấm cũng chưa được mượt, điều này khả năng cao là do switch chưa được lube sẵn. Hiện nay, việc lube trước đã là thứ mà rất nhiều hãng switch thực hiện, cốt để đem tới cho người dùng cảm giác trơn mượt ngay từ đầu – cũng là thứ mà Red Switch của E-Dra còn thiếu.
Để giải quyết vấn đề thì theo mình, các bạn nên thay luôn bộ switch đi kèm của E-Dra. Rất may là ở thời điểm video này được quay thì thị trường đang có rất nhiều mẫu switch ngon mà rẻ, ví dụ như MZ-Z1, chỉ khoảng 3.000đ/chiếc mà âm clack rất thích, được lube sẵn và hoàn thiện housing khá tốt. Nếu nhiều tiền hơn, các bạn có thể tìm tới Hyacinth hay Jelly Strawberry v2, âm hay mà lại mượt nhờ có stem làm từ nhựa POM.
Điểm cộng duy nhất của chiếc switch này theo mình là nó được làm dưới dạng stem box, giúp hạn chế rung lắc chân stem để tăng độ vững khi gõ. Ngoài ra thì theo như mình tham khảo trực tiếp với E-Dra về vụ rút switch thì hãng có trả lời, nếu có vấn đề xảy ra khi đó như hỏng chân socket thì người dùng vẫn được hỗ trợ bảo hành, coi như là yên tâm hơn cho những bạn mới chơi.
Stab: Rất cần được tinh chỉnh
Stab cũng là một vấn đề khác của E-Dra EK375 Pro, khi tùy từng phím mà chúng ta sẽ thấy cả hiện tượng tick lẫn lọc xọc. Ví dụ với tick thì đó sẽ là nút Backspace hay Enter, còn lọc xọc thì sẽ là một bên của phím Space. Khác với Monka 3075 v2 Pro, stab của EK375 Pro tốt nhất là nên được cân lại. Các bạn lúc này có thể chọn cân lại với phím Space không cũng được vì dù sao, đó cũng sẽ là phím thường xuyên được dùng hơn.
Soundtest: Có thể chất lượng hơn nữa
Kết hợp hai yếu tố vừa rồi lại, chúng ta sẽ có một phần soundtest mà mình cho là… đáng ra có thể tốt hơn nữa. Và theo cảm nhận cá nhân của mình thì so với chiếc Monka 3075 v2 Pro, tiếng của EK375 Pro chưa gọn bằng, chưa kể còn ảnh hưởng bởi ping lò xo và lọc xọc. Đáng nói hơn, tùy chọn switch đi kèm Monka lần trước chưa phải là phiên bản tốt nhất, nếu thay Monka Red Switch khi đó bằng Sea Salt hay Cherry Powder thì khoảng cách hai bên sẽ còn xa hơn nhiều.
Do video đánh giá chi tiết của Minh May Mắn đang trong quá trình sản xuất, nên để demo cho soundtest của chiếc phím này thì mình xin được mượn sản phẩm của GearShop.vn:
Đó cũng là lý do chính mà mình nói rằng, EK375 Pro hoàn toàn có thể trở nên tốt hơn về chất lượng. Và đó là điều nên diễn ra càng sớm càng tốt, nếu E-Dra muốn sản phẩm của mình có thể thực sự cạnh tranh ở phân khúc khoảng 1 triệu Đồng vốn đang ngày càng chật chội.
Các yếu tố khác: Vừa đủ đạt điểm khá
Về các yếu tố khác, E-Dra EK375 Pro sẽ làm ở mức ổn, đủ để không thua kém các đối thủ trong cùng tầm giá. Ví dụ như về keycap, chúng ta sẽ có ở đây là nhựa ABS in Double-shot bền bỉ, đi kèm profile là Cherry khá dễ gõ. Các ký tự phụ và biểu tượng tính năng sẽ được in laser, nét chữ ở mức tạm, tuy nhiên trông có vẻ là chúng sẽ bị phai khá nhanh vì một số phím mình thấy đã hơi mờ mờ rồi, dù là mới dùng được có hơn tuần.
Về tính năng, EK375 Pro hỗ trợ 3 chế độ kết nối là có dây, không dây qua Bluetooth cũng như receiver 2.4GHz. Tương thích cả Mac lẫn Windows cũng là đầy đủ như bao sản phẩm khác, chuyển đổi nhanh qua cần gạt phía bên dưới mặt đáy.
Ngoài ra thông qua màn hình của máy, chúng ta sẽ có thể chỉnh 20 chế độ LED RGB khác nhau trên sản phẩm này. Ngôn ngữ cài đặt thì có cả tiếng Anh để dễ nhận biết, hãng có cả driver tiếng Việt cơ mà mình thấy hơi khó cài, tool với hướng dẫn thì tiếng Trung với tiếng Anh lẫn vào nhau.
Thời lượng pin: Chấp nhận được
Về thời lượng pin thì theo mình thấy, bàn phím của chúng ta sẽ trụ được vào khoảng gần 3 ngày sử dụng, với mỗi ngày mình sẽ dùng khoảng hơn 6 tiếng. Nếu mà có cách nào đó tắt LED đi thì có thể con số này sẽ lâu hơn, cái này thì tùy nhu cầu của các bạn mà sẽ là nhiều hay ít, mình thì góc làm việc luôn có dây sạc nên thấy cũng bình thường.
Tạm kết
Và đó là EK375 Pro, một trong những mẫu bàn phím mới nhất vừa được công bố bởi thương hiệu Việt Nam E-Dra trong thời gian gần đây. Về tổng thể, gần như không có yếu tố nào trên sản phẩm này là hoàn toàn mới, nhưng việc phỏng theo một sản phẩm đang thành công trên thị trường ít nhất sẽ giúp EK375 Pro có được tính nhận diện, đi kèm tiềm năng thể hiện tốt sau khi chỉnh sửa là khá cao.
Ngoài ra, sự an tâm cũng là một điểm cộng dành riêng cho mẫu phím này. Xét tới việc nó còn có được thời gian bảo hành chính hãng tới 12 tháng, những ai mới chơi phím mà cần tới cảm giác an toàn khi tập mod hoàn toàn có thể tìm tới.
Tuy nhiên, chỉ vậy thôi với mình là chưa đủ để quên đi những nhược điểm về switch, stab, v.v. khi chúng đã thể hiện rất rõ thông qua chất âm cho ra của sản phẩm này. Đáng nói hơn là trên thị trường, chúng ta vẫn đang có những lựa chọn khác ngang giá quá tốt như Monka 3075 Pro v2 với switch Cherry Powder hay Sea Salt, thì rất khó để tìm ra lý do cho việc lựa chọn EK375 Pro với bộ switch nhà làm… khá tệ kể trên.
EK375 Pro là một sản phẩm tiềm năng, nhưng nếu muốn cạnh tranh nghiêm túc thì hãng sẽ cần tinh chỉnh lại rất nhiều. Có thể mong chờ vào một phiên bản v2 thành công hơn nữa của chiếc phím này hay không, với tinh thần cầu thị của thương hiệu này ở ngay phần mở bài thì mình nghĩ là “Có!”.
Một lần nữa, chân thành cảm ơn đội ngũ E-Dra đã cho Minh May Mắn mượn và trải nghiệm E-Dra EK375 Pro.