CẢNH BÁO: BÀI ĐÁNH GIÁ CÓ TIẾT LỘ MỘT SỐ TÌNH TIẾT VÀ CƠ CHẾ TRONG GAME, CÂN NHẮC TRƯỚC KHI ĐỌC. NẾU KHÔNG MUỐN BỊ TIẾT LỘ NỘI DUNG, BẠN CÓ THỂ XEM VIDEO DƯỚI ĐÂY THAY THẾ:

Thông thường mỗi khi nói tới Người Nhện, tâm trí chúng ta hẳn sẽ nghĩ ngay đến bộ ba phim kinh điển của Sam Raimi, bộ ba phim của MCU hay những sự kiện đình đám trong comic về nhân vậy này. Còn với các tựa game về anh chàng đầu tơ thì dù tồn tại đã lâu, nhưng ảnh hưởng của nó dường như vẫn là quá ít. Vốn dĩ nếu đó là một sản phẩm thực sự chất lượng, ngay cả một người ít chơi game như mình cũng sẽ tự biết để tìm đến. Và sau cũng hơn 10 năm kể từ khi còn chơi Spider-Man 3 phiên bản Java, bản thân mình mới bị thu hút say sưa bởi tựa game Người Nhện khác – và đó chính là Marvel’s Spider-Man ra mắt hồi năm 2018.

Với điểm khởi đầu hợp lý, gameplay học hỏi nhưng vẫn đầy chất riêng, đồ họa đầu tư đúng mực cùng một cốt truyện đầy cảm động, tựa game đã thực sự khiến mình có những dây phút đắm chìm ngay cả khi đã biết trước mọi tình tiết. Năm năm sau, Marvel’s Spider-Man 2 ra mắt với vô số sự “nhá hàng” thú vị, và khi được may mắn tận tay trải nghiệm tựa game này trên hệ máy PlayStation 5 thì chà… đây thực sự là một bản mở rộng ngoài sức tưởng tượng, cả về bề rộng lẫn bề sâu theo nhiều nghĩa khác nhau. 

Dưới đây sẽ là những trải nghiệm của mình với Marvel’s Spider-Man 2 sau khoảng hơn 35 tiếng chơi, đã hoàn thành cốt truyện chính và đang trên đường tìm hiểu những nhiệm vụ phụ. Còn về những gì đã diễn ra ở các phần game trước đó là Marvel’s Spider-Man và Marvel’s Spider-Man: Miles Morales, bạn có thể ghé qua video dưới đây.

Hi vọng rằng những đánh giá sau đây sẽ có nhiều giá trị tham khảo với các bạn, và xin được gửi cảm ơn tới PlayStation Việt Nam, Sony Interactive Entertainment cũng như kênh YouTube Phê Game đã tạo điều kiện để mình được trải nghiệm và đánh giá sớm siêu phẩm này. 

Khả năng di chuyển

Nếu là người dân sống tại Manhattan trong Marvel’s Spider-Man, hình ảnh anh chàng đầu tơ thân thiện ngày ngày đu dây khắp thành phố hẳn đã là thứ vô cùng quen thuộc. Tuy nhiên thì giờ đây, bạn sẽ còn được thấy anh chàng dang rộng sải cánh, biến mình từ nhện thành sóc bay với những màn chao liệng cực kỳ xịn xò. Cụ thể thì khi nhấn nút tam giác trên tay cầm lúc đang ở trên không, Người Nhện sẽ mở ra một đôi Cánh Màng ở hai bên hông, và bạn sẽ có thể điều khiển câu chàng như khi đang chơi một tựa game giả lập máy bay vậy: Đẩy cần lên là lao xuống, đẩy cần xuống là vút lên, tương tự như vậy với hai bên trái và phải. 

Nhìn chung, cơ chế này của Spider-Man 2 ít nhiều có thể khiến bạn liên tưởng tới cơ chế bay lượn trong series game Batman Arkham – một nét đặc trưng đáng nhớ của Rocksteady. Dẫu vậy, Cánh Màng Nhện vẫn thể hiện được sự khác biệt so với Cánh Dơi, nằm ở những đường hầm gió nằm rải rác khắp thành phố. Cơ chế này có lẽ được lấy cảm hứng từ hiệu ứng đường hầm gió có thật tại New York – nơi những cơn gió lùa có thể lên tới tốc độ 64km/h. Và khi nhập làn vào những đường hầm ấy, tốc độ của bạn sẽ được tăng dần khi bay qua từng chiếc vòng, để rồi tới cuối con đường thì bùm… Bạn đã lao đi một khoảng rất, rất xa. 

Tất nhiên, để đảm bảo người chơi không quá lạm dụng Cánh Màng mà quên mất việc đu tơ, Insomniac cũng đặt ra một số giới hạn cân bằng. Cụ thể, sau một khoảng thời gian duy trì độ cao thì động năng sẽ giảm, và Người Nhện sẽ buộc phải hạ dần xuống. Cũng giống như khi chúng ta ném một chiếc máy bay giấy lên cao vậy, tới một điểm nhất định trên không là nó sẽ chững lại và sà thẳng xuống mặt đất.

Tuy nhiên, Insomiac đã xử lý khá mượt vấn đề này, khi sẽ cho Người Nhện lộn một vòng trên không để báo hiệu cho chúng ta. Và trên đường tiếp đất, bạn vẫn có đủ thời gian để nhìn xem có luồng gió nào lưu thông gần đó không, cũng như có điểm tựa nào không sử dụng cơ chế đu tơ, qua đó đưa mình lên cao để bay tiếp, cho phép ta nhịp nhàng kết hợp để di chuyển một cách thật mượt mà.

Cá nhân mình có lẽ vẫn sẽ tiếp tục để qua một bên tính năng Fast Travel để tận hưởng sự vui thú của bay lượn, khi chúng giờ đây vừa đa dạng lại còn bổ trợ rất tốt cho nhau. Nhưng game thủ nếu cần thì cũng rất nên sử dụng – khi tốc độ đổi địa điểm đã lên tới cực đại nhờ ổ cứng SSD của PS5, gần như không để chúng ta phải chờ khi di chuyển các quãng đường xa. Ngoài ra thì với tay cầm PlayStation DualSense, cảm giác đu tơ, chao liệng sẽ được tái hiện tới từng đầu ngón tay của bạn. Ví dụ khi bấm cò R2 để phun tơ, sẽ có một lực căng nhẹ khiến cò bấm cứng hơn trong chốc lát, giống như khi chúng ta kéo cung trong Horizon vậy.

Hơn nữa thì trong khi đang thoăn thoắt giữa bầu trời New York, ai lại có thể cưỡng lại những thanh âm sôi động của thành phố này chứ nhỉ? Tiếng còi xe, con người, những chương trình podcast đa chiều của cô nàng Danika cũng như.. một chiều tới từ gã tổng biên tập cau có của Daily Bugle – J. Jonah Jameson – cảm giác như mọi thứ thực sự đang sống vậy. 

Thiết kế thế giới mở 

Nói đến đang “sống” thì không thể bỏ qua thiết kế thế giới mở trong Spider-Man 2, được kỳ vọng sẽ kế thừa sự chân thực và đa dạng đã có ở phiên bản tiền nhiệm. Và ở khoản này, Insomiac một lần nữa không khiến chúng ta thất vọng, khi thế giới của game vẫn cung cấp cho chúng ta rất nhiều cách thức để tiếp cận các nhiệm vụ. Thông qua một ứng dụng liên kết với điện thoại của toàn bộ người dân trong thành phố, Người Nhện có thể dễ dàng nhận biết các sự vụ đang diễn ra, qua đó có thể tính toán quãng đường di chuyển để tiếp cận từng nơi cho phù hợp. 

Và vẫn như phần game trước, sẽ không có sự bó cứng nào về trình tự hoàn thành nhiệm vụ. Bạn hoàn toàn có thể làm trước các nhiệm vụ phụ để khám phá và kiếm về thêm những tài nguyên phục vụ nâng cấp, trước khi sẵn sàng với các nhiệm vụ chính. Về chủng loại nhiệm vụ thì có vẻ, phần game mới này đã chứng kiến một số tinh chỉnh để mọi thứ trở nên thú vị hơn. Chẳng hạn như ở nhiệm vụ chụp ảnh thì thay vì những tòa cao ốc, chủ thể giờ đây sẽ là những hoạt động thường ngày của người dân thành phố để người chơi thấy được nhịp sống nơi đây, hay sâu hơn là những mâu thuẫn cháy âm ỉ.

Hơn nữa, việc hoàn thành side quest trong game giờ đây cũng trở nên cần thiết, khi chúng ta sẽ được thưởng một số loại vật phẩm như Huy hiệu Anh hùng hay các linh kiện nâng cấp. Chúng sẽ có thể được dùng để chúng ta cải tiến các trang thiết bị có sẵn, giúp chúng có thể dùng được nhiều lần hơn hay thậm chí là có những công dụng mới. 

Về kiến trúc, sự thêm thắt của hai quận mới là Brooklyn và Queens cũng đem lại thêm tính đa dạng cho thế giới trong game. Trong khi Manhattan vẫn đúng chất của một đô thị đông đúc với các tòa nhà chọc trời, công viên xanh mát hay cầu cảng khổng lồ thì khi về với Queens, chúng ta sẽ được thấy sự tĩnh lặng của khu ngoại ô nơi Peter Parker sinh ra, hay với Brooklyn thì sẽ là sự đa dạng, phóng khoáng và độc đáo về kiến trúc – hệ quả của sự giao thoa văn hóa tạo nên bởi cộng đồng nhập cư của Miles Morales. 

Nhìn chung, thiết kế thế giới mở của Spider-Man 2 đã được tính toán cẩn thận, sao cho những sự mở rộng đều được người chơi thấy rõ và chạm đến. Nếu bạn đã mê mẩn một Manhattan đầy sức sống và rộng lớn ở phần game đầu tiên thì khi qua tới Spider-Man 2, sự vui thú và phóng khoáng đó vẫn sẽ được vẹn nguyên. 

Hệ thống nhiệm vụ 

Với việc phần game mới có sự xuất hiện luân phiên giữa hai Người Nhện Đỏ và Đen, Insomiac sẽ có nhiều việc phải làm khi phải bố trí nhiệm vụ của cả hai sao hợp lý. Liệu khi chơi quen một nhân vật nổi tiếng hơn, quan trọng hơn như Nhện Đỏ, có lý do gì để họ chuyển qua Nhện Đen và đắm chìm vào câu chuyện của cậu? Theo mình thì studio vẫn chưa hoàn toàn giải được câu hỏi này, khi những nhiệm vụ chính họ gắn cho Miles không khiến mình muốn chủ động đồng hành cùng anh chàng. Trừ khi bạn đã chơi Spider-Man: Miles Morales thì có thể là sẽ có chút lý do. 

Hầu hết thời lượng game, mình chỉ làm điều này một cách miễn cưỡng, và hệ quả là bản thân cũng ít chú ý hơn vào nâng cấp cây kỹ năng của Nhện Đen cũng như đánh giá sai về tầm ảnh hưởng của cậu. Khác với Peter với nhiệm vụ chính bám sát vào các nhân vật quan trọng, nhiệm vụ chính của Miles phần nhiều sẽ ở mức độ trợ giúp cho tiền bối, hoặc là quay lại Brooklyn để giúp đỡ những người trong cộng đồng của mình. 

Rất may là càng về cuối trò chơi, vai trò của Miles được nâng lên rất nhiều, và không quá muộn để chúng ta sẽ muốn dùng những điểm nâng cấp quý giá cho bộ kỹ năng tương đối biến ảo của cậu nhóc này. Tốt nhất là trước khi chơi Spider-Man 2, bạn nên ghé qua phiên bản Spider-Man: Miles Morales và tìm hiểu về cộng đồng đa sắc tộc ở Brooklyn để có được cảm hứng tốt nhất với chàng Nhện trẻ ham học hỏi này. 

Về các nhiệm vụ phụ, Insomiac đã bổ sung rất nhiều yếu tố mới để người chơi có thể khám phá. Bên cạnh các hoạt động quen thuộc như giải quyết những vấn đề đời thường, chụp ảnh thành phố hay trấn áp tội phạm, v.v. Chúng ta sẽ còn được đối diện với những nhóm NPC mới toanh thích biểu tình hay phóng hỏa thành phố, tìm kiếm những mảnh câu chuyện phía sau một số ác nhân nổi tiếng hay tận dụng khả năng bay lượn để đuổi theo những chú drone – thứ với mình chỉ khó chịu sau nhiệm vụ trực thăng của GTA Vice City năm nào.

Và đó cũng là lúc sự tuyệt vời của bản dịch tiếng Việt được phát huy, khi đó là thứ sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về những câu chuyện trong game – được thuật lại bởi những bức thư, các chương trình podcast và hơn thế nữa. Dường như đội ngũ dịch thuật cũng đã rất đầu tư để cho ra bản dịch chất lượng, với nhiều chi tiết được Việt hóa hợp lý như các đại từ nhân xưng thuần Việt, hay thậm chí là có chút bay bổng và tếu táo – như khi Miles gọi Peter là “sư huynh” chẳng hạn. 

Tuy nhiên trở lại với câu chuyện nhiệm vụ, việc lặp đi lặp lại về cách thức từ bản game trước vẫn xuất hiện, khiến sự vui thú khi thực hiện chúng ít nhiều thuyên giảm. Lý do để mình tìm tới chúng chủ yếu là vì tài nguyên cần thiết cho việc nâng cấp, mở khóa cột mốc Fast Travel ở từng khu vực hay hoàn thành các thành tựu trong game mà thôi. Ngoài ra, một số tuyến nhiệm vụ đã khắc họa một vài NPC trong game theo hướng cực kỳ tiềm năng. Song đáng tiếc, chúng lại không đưa ra cho mình động lực để thực hiện trong thời gian chơi cốt truyện chính. 

Với một thế giới đã rộng lớn gấp đôi so với trước đây, những nỗ lực từ phía Insomiac là rất đáng ghi nhận, nhưng có lẽ họ vẫn sẽ cần chăm chút hơn nữa ở khoản này nếu có những bản game tới. 

Chiến đấu 

Bên cạnh khả năng di chuyển cực kỳ linh hoạt, chiến đấu cũng là một trong những cơ chế khiến Marvel’s Spider-Man để lại nhiều thương nhớ. Vẫn là phong cách tấn công free-flow biến tấu từ dòng game Batman Arkham, nhưng nay đã được nâng lên một tầm cao mới nhờ những thay đổi đáng chú ý – cả về chủ quan nhân vật lẫn khách quan ở thé giới xung quanh họ. Cụ thể thì về yếu tố khách quan, kẻ thù ở trong Spider-Man 2 đông và có kỹ năng chiến đấu cao hơn hẳn phần game đầu. Ví dụ như lực lượng của gã thợ săn Kraven, phong cách chiến đấu hoang dã đầy tính tập thể của họ sẽ được bổ trợ bởi hệ thống vũ khí hiện đại. 

Hay khi về giai đoạn cuối game, đối thủ của bạn thậm chí còn không phải là con người, với độ hung hãn, trâu bò và sức mạnh khó lường hơn rất nhiều. Tất cả những yếu tố trên khiến nhịp độ chiến đấu trong các nhiệm vụ chính được đẩy lên rất cao, đòi hỏi sự thích nghi với các cơ chế mới cũng như đôi lúc là cả kỹ năng quan sát tới từng chi tiết nhỏ nếu muốn sống sót trên chiến trường. 

Tất nhiên, không phải mọi thứ chỉ toàn là bất lợi, khi game cũng sẽ đưa ra rất nhiều nâng cấp để bạn có thể chủ động tạo nên sự khác biệt. Đó là những thiết bị mới để gây sát thương hay cầm chân kẻ địch, là những kỹ năng mới như Phản đòn để một mình cân tất, hay là sự trợ giúp của sinh vật ngoài hành tinh Symbiote để khiến việc chiến đấu thêm hiệu quả. Khi được bao bọc bởi Symbiote, anh chàng đầu tơ của chúng ta sẽ có được một bộ kỹ năng hoàn toàn mới, với sát thương, tầm đánh và độ tàn bạo được nâng cao đáng kể. 

Còn nếu chiến đấu với cậu chàng Nhện Đen, bộ kỹ năng giật điện của cậu cũng hứa hẹn sẽ tạo nên những trận chiến mãn nhãn. Có thể về uy lực thì chưa thể bằng Peter với Symbiote, nhưng hãy cố gắng tận dụng khả năng ra đòn và tiếp cận thần tốc của chúng nhé. Ngoài ra, việc bị ảnh hưởng bởi một nguồn sức mạnh khác nữa sẽ tiếp tục sinh ra những chiêu thức mới, giúp Miles sẽ có thêm sức mạnh để cùng người đàn anh chữa lành cả thế giới. 

Tiện nói về kỹ năng, thì với những chiêu thức mà ở phần game đầu bạn sẽ phải học dần như kéo đối thủ về, né tránh hoàn hảo, v.v. Chúng sẽ được hướng dẫn ngay từ đầu ở Spider-Man 2. Điều này khiến cho người chơi sẽ có thể nhập cuộc sớm hơn với nhịp độ của game, mà cũng thể hiện được rằng đây là một Người Nhện đã dạn dày kinh nghiệm chiến đấu, sẵn sàng cho những biến động rất lớn chuẩn bị diễn ra. 

Cơ chế điều khiển trong chiến đấu cũng đã được Insomiac nhúng tay vào, và những gì studio làm được đã “gãi” đúng vào khá nhiều điểm chưa tốt ở phần game đầu. Chẳng hạn như khi cần chọn vũ khí giữa giao tranh, người chơi sẽ không còn phải sử dụng hệ thống bánh xe điều khiển bằng cần trái vừa dễ nhầm, vừa làm chậm nhịp độ chiến đấu. Thay vào đó, các công cụ sẽ hiển thị ở một HUD nhỏ đúng theo vị trí nút bấm trên tay cầm, và chỉ cần ấn cò R1 cùng nút tương ứng là dùng nhanh được ngay, khắc phục hoàn toàn mọi vấn đề. 

Mặc dù hữu ích, nhưng thay đổi như trên có thể sẽ gây ra những sự nhầm lẫn nhất định. Với bản thân thì khi cần dùng công cụ ở nút O, minh đôi khi bị sẽ combo nhầm với hai nút gần nhau trên tay cầm là Tam giác và R1. Đáng tiếc là trong phần cài đặt game, chúng ta lại không tự do gán nút cho các công cụ và kĩ năng, và nút O về sau cũng là nơi chứa một công cụ cực kỳ hữu ích – vậy nên hãy làm quen dần để có được sự chính xác cần thiết.

Để đảm bảo sự đa dạng trong chiến đấu, Spider-Man 2 cũng cung cấp cho chúng ta đa dạng tùy chọn nâng cấp về thiết bị công nghệ, cây kỹ năng và hơn thế nữa. Nếu như ở khoản máy móc, chúng ta sẽ có thêm các thiết bị mới để lén lút tấn công hay cầm chân kẻ địch, thì với cây kỹ năng thì đó sẽ là tận ba cái: Một cái của chung cho Peter và Miles, hai cái của riêng mỗi người để chúng ta lựa chọn tùy vào phong cách chiến đấu ưa thích. 

Và khi đã nhắc đến hai chàng Nhện, thì cũng không thể bỏ qua những nhiệm vụ cần đến phối hợp đồng đội. “Be Greater, Together” – “Cùng nhau tiến về phía trước” là những gì mà game muốn truyền tải, thể hiện rõ qua những phần cắt cảnh chiến đấu mãn nhãn của hai Nhện Đỏ và Đen, và thậm chí còn là với những cái tên cũng rất quan trọng khác nữa. 

Độ khó 

Về độ khó của game, mình lựa chọn mức độ tương tự phiên bản Spider-Man đầu tiên là Amazing (Tuyệt vời) để trải nghiệm. Tuy nhiên với những thay đổi từ Insomiac, dường như tính thử thách ở mức độ này trên Spider-Man 2 sẽ nhỉnh hơn so với trước đây. Ví dụ với đám thuộc hạ của Kraven, sự đa dạng về vai trò của chúng như cận chiến, bắn tỉa, v.v. cùng sự xuất hiện của đám chó và diều hâu robot sẽ tạo nên không ít sự khó chịu. Còn với những màn đấu trùm thì mọi thứ còn đáng nói hơn, khi đối đầu với bạn sẽ là những đối thủ hoặc thực sự mạnh mẽ, hoặc có kỹ năng chiến đấu lão luyện. 

Ngay cả khi có được khả năng của Symbiote, chiến thắng cũng sẽ không đến dễ dàng với bạn, hoặc ít nhất với mình, như khi đối đầu với Sinister Six ở phần game trước. Khi đó những con trùm hoặc sẽ áp đảo bạn bằng sức mạnh kinh hồn, hoặc nắm rõ điểm yếu của cá thể ngoài hành tinh bên trong bạn là âm thanh tần số cao. Hơn nữa, những con trùm lớn đôi khi sẽ có những phase chiến đấu rất dài, đòi hỏi chúng ta phải duy trì sự tập trung liên tục nếu không muốn thất thủ nhanh chóng.

Ngoài ra, còn một điểm khiến những phase đấu dài trở nên cực kỳ chết chóc, đó chính là việc thanh Hội tụ của bạn sẽ chỉ dùng được để hồi máu khi đầy hoàn toàn hoặc chạm đến một mốc nhất định. Điều này khác hẳn với phần game đầu tiên là tích lũy bao nhiêu hồi lại bấy nhiêu, đồng nghĩa rằng trong những màn đánh trùm, thời điểm bạn chỉ còn một chấm máu cũng là lúc sự căng thẳng được đẩy lên tối đa. Lúc này, combo và né đòn liên tục sẽ là lựa chọn duy nhất, và với xu hướng ỷ đông đánh yếu của kẻ địch trong game thì… Git gud thôi!

Để đối đầu hiệu quả với chúng, một trong những phương án tốt nhất là nâng cấp kỹ năng và chỉ số một cách phù hợp. Và với trải nghiệm của mình, chỉ số sinh lực, hay máu, sẽ nên được ưu tiên để giúp Người Nhện có thể trụ vững trước những đòn đánh sát thương cao. Ngoài ra, những chiêu thức đa mục tiêu cũng sẽ cần được chú tâm trong cây kỹ năng, vì việc lấy cả chục kẻ địch chấp một mình người chơi cũng là thứ không còn xa lạ. 

Với các màn chơi lén lút, dường như Insomiac cũng đã có sự tính toán để chúng trở nên thử thách hơn. Tuy nhiên với việc studio cung cấp cho người chơi những vũ khí mạnh mẽ cùng khả năng leo trèo linh hoạt, mọi thứ bỗng trở nên không quá khó như tưởng tượng. Để phải chọn ra ví dụ thì đó sẽ là công cụ mà mình thích nhất, bản tiếng Việt dịch là Đường tơ. Cụ thể thì khi dùng, chúng ta sẽ ngắm vào một điểm đối diện trước mặt và phóng, tơ sẽ chăng ra thành một đường thẳng để Người Nhện di chuyển như diễn viên xiếc, qua đó dễ dàng tiếp cận những kẻ thù ở xa và hạ gục chúng. 

Đồ họa 

Với việc được phát hành độc quyền trên hệ máy PlayStation 5, Spider-Man 2 sẽ có được xuất phát điểm về đồ họa không thua tiêu chuẩn hiện tại trên PC quá nhiều. Đặc biệt khi game giờ đây cũng sẽ có sẵn Ray Tracing, giúp khả năng phản chiếu ánh sáng trên cửa kính cao ốc, mặt hồ sông trở nên chân thực hơn. Ngoài ra khi khoác trên mình lớp vỏ Symbiote, Ray Tracing sẽ giúp từng thớ xúc tu trở nên “ướt át” và chân thật hơn bao giờ hết. Và rồi khi nhìn thấy khung cảnh không kém gì địa ngục ở cuối trò chơi, đồ họa của PS5 đã khiến mình phải thốt lên: “Wow!” 

Theo tìm hiểu của mình, Ray Tracing trong game cũng có nhiều kiểu. Mặc định vào game thì sẽ là chế độ Chân thật (Fidelity) – Ray Tracing đẹp nhất nhưng sẽ dừng ở 30 FPS, còn nếu chỉnh qua chế độ Hiệu năng (Performance) thì hiệu ứng sẽ bớt đi chút ít, nhưng khung hình lại lên được 60. Theo cảm quan của mình thì giữa hai chế độ này, sự khác biệt về phần nhìn là không quá lớn để chấp nhận đánh đổi về khung hình. Và để có được cảm giác về phần nhìn là tốt nhất, việc sử dụng TV 4K hỗ trợ HDR là đáng cân nhắc. 

Tuy nhiên nói đến PS5 thì không phải Ray Tracing hay khả năng hỗ trợ 4K thuần, mà tốc độ siêu nhanh của SSD mới là quan trọng hơn cả. Khi chuyển đổi giữa phần chơi của Peter và Miles hay Fast Travel qua các khu vực, mình gần như không phải đợi chờ quá lâu để tiếp tục hành trình. Có chăng khi mở game từ save file bên ngoài màn hình thì cũng chỉ tốn tầm 2-3 giây mà thôi, tuy nhiên nhiêu đó cũng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới trải nghiệm chung vốn đã cực kỳ liền mạch nhờ sức mạnh công nghệ. 

Cuối cùng là về độ chi tiết, đồ họa của Spider-Man 2 vẫn khiến mình phải trầm trồ. Mọi nơi trong game đều hiện lên một cách đầy sức sống, với đặc trưng rõ nét về kiến trúc, quy hoạch cùng mật độ hoạt động dày đặc. Model của các nhân vật ở bản game này cũng được trau chuốt hơn, biểu cảm đa dạng hơn, sự thay đổi về ngoại hình và phong cách ăn mặc so với trước đây cũng được thể hiện rõ. Biết rằng với một số cái tên game thủ sẽ có phần khắt khe hơn, nhưng cá nhân mình cho rằng tạo hình của họ là không hề tệ. 

Nhân vật 

Về nhân vật, đồng hành cùng chúng ta vẫn sẽ là những cái tên quen thuộc như Peter Parker, Miles Morales, cô nàng nhà báo Mary Jane, v.v. cùng với sự trở lại của Harry Osborn – người bạn thuở ấu thơ của nhân vật chính. Ở phần game này, đi kèm với họ vẫn sẽ là những trăn trở đầy thực tế về cuộc sống: Peter cần một sự nghiệp, Mary Jane khát khao khẳng định ngòi bút, trong khi Miles đang phải tập trung trước ngưỡng cửa Đại học – thứ mà những người nhập cư luôn muốn con cái họ vươn tới thay vì ngày ngày đu tơ trên nền trời thành phố. 

Còn với Harry Osborn, ước mơ của anh cũng đầy tính nhân bản với tầm ảnh hưởng chạm tới hai từ “thế giới”. Tuy nhiên vì căn bệnh quái ác mà anh vẫn chưa thể hiện thực hóa điều đó. Thực tế thì sự giằng xé này giữa các nhân vật cũng đã xuất hiện ở các bản game trước, nhưng để đạt đến cao trào thì có lẽ chỉ Spider-Man 2 mới thể hiện được. Đơn giản vì lúc này, những mục tiêu vốn còn khá mơ hồ nay đã được gọi tên, và sức nặng của chúng lên cuộc sống của mỗi cá nhân là lớn hơn bao giờ hết. 

Cũng chính nhờ điều này, có thể mỗi chúng ta sẽ tìm thấy ở Peter, Miles, MJ hay Harry hình bóng của chính mình. Bảo vệ người yếu thế, theo đuổi sự thật, thay đổi thế giới, v.v. đều là những mong muốn cực kỳ nhân văn, nhưng liệu có đáng để đánh đổi bằng một chiếc bụng đói, sự chối bỏ của cộng đồng hay thiếu ổn định trên chặng đường tương lai? Để rồi một ngày, định mệnh trao cho chúng ta sức mạnh to lớn để theo đuổi những gì mình mong cầu, liệu bạn sẽ đi xa đến đâu để chạm tới lý tưởng của bản thân? 

Với Symbiote, sức mạnh nó đem tới cho vật chủ không phải thứ mình quan tâm hàng đầu, mà đó sẽ là cách sinh vật này chạm tới tâm trí của họ, đẩy phần vị kỷ trong đó lên đến đỉnh điểm. Peter Parker có lẽ là ví dụ điển hình, khi tính cách của anh đã thay đổi gần như 180 độ với bộ suit mới. Điều này có vẻ giống với phim Spider-Man 3 của đạo diễn Sam Raimi, nhưng khi chơi thì chúng ta sẽ thấy, sự tiêu cực của Peter cũng chỉ để phục vụ mong muốn sâu thẳm trong cậu: Bảo vệ tất cả mọi người như cách dì May từng làm. 

Khi mang trong mình Symbiote, đó cũng là lúc các nhân vật bộc bạch mọi vướng mắc từ sâu thẳm tâm can. Từ khao khát được công nhận, được trở thành “một điều gì đó”, cho tới những bất công mà họ đã phải chịu trên con đường thực hiện ước mơ. Tới đây, phải dành lời khen cho biên kịch của game, khi những cuộc đối thoại điên loạn từ các vật chủ lại thực sự mang nhiều ý nghĩa. Liệu chúng ta có đang bỏ quên tiếng lòng của những người xung quanh, và vô tâm đến mức phải cần tới một sinh vật ngoài hành tinh để thức tỉnh? 

Và với mỗi lần xuất hiện của phản diện Kraven the Hunter, Symbiote như được tiếp thêm chất xúc tác để từng bước lớn mạnh, đem lại những trận chiến cực kỳ mãn nhãn. Mặc dù gã thợ săn người Nga chưa thể đáp ứng kỳ vọng của bản thân về chiều sâu tính cách, nhưng có lẽ đó là vì bản thân đã nhìn nhận sai vai trò của gã trong phần game này – đó là động lực để chúng ta và trùm cuối cùng nhau phát triển, để rồi cả hai có thể chiến một trận hết mình ở cuối game. 

Nếu như game cung cấp thêm nhiều manh mối thuyết phục hơn nữa về tập tục và mục đích thực sự đằng sau những cuộc săn, có lẽ mình sẽ thông cảm hơn với việc Kraven xới tung cả thành phố, bắt cả những kẻ xấu dù đã hoàn lương chỉ để thỏa mãn thú vui kẻ mạnh. Tuy nhiên với sự mưu mẹo, tinh thần sắt đá cùng khả năng chiến đấu bậc thầy, hắn cũng đã hoàn thành tròn vai nhiệm vụ của một “trung gian” – từng bước thúc đẩy chúng ta phải tiến bộ để theo kịp kẻ thù thật sự. 

Trong hoàn cảnh khó khăn, cũng sẽ có những nhân vật buộc phải “tiến hóa” và trở nên mạnh mẽ hơn. Đó là Miles với khả năng độc lập đưa ra quyết định thay vì phụ thuộc vào tiền bối, đó là MJ với sự quyết đoán được đẩy lên một tầm cao mới. Bật mí rằng ở cuối game, người chơi sẽ có được một trải nghiệm chưa từng thấy với cô nàng nhà báo này, qua đó giúp nhân vật khẳng định dõng dạc: Những phần chơi của cô hấp dẫn hơn mọi người thường nghĩ. 

Ngoài ra, đó còn là sự hoàn lương của các nhân vật từng khiến cả Manhattan phải điêu đứng. Họ đã giúp các anh hùng trưởng thành, đối diện với nỗi sợ của bản thân, cũng như nhận ra nỗi đau của người khác để biết cảm thông và trở thành một người đồng hành tốt hơn. Và cuối cùng, cũng có những người chẳng thể nào thay đổi, với tâm tính xoay vòng liên tục chỉ để hướng đến lợi ích của bản thân, mặc cho những người hùng có nỗ lực đến đâu đi nữa. 

Với mình, Symbiote trong câu chuyện viết nên bởi Insomiac đã vượt xa vai trò của một con quái vật với sức mạnh phi phàm. Đó còn là một chiếc chìa khóa giúp mở ra rất nhiều góc khuất bên trong mỗi nhân vật, cho thấy đằng sau mỗi khát khao đều là những sự lo âu và vị kỷ vượt xa sự tưởng tượng. Peter, Miles, MJ hay Harry; họ là những người trẻ với bao hoài bão chính đáng. Và Symbiote đã khiến họ nhận ra nhiều điều về chính mình và những người xung quanh, qua đó có được sự đột phá trên chặng đường thực hiện ước mơ. 

Độ mượt của game, các lỗi tồn đọng, v.v. 

Nhìn chung với một cốt truyện có chiều sâu, đồ họa đẹp mắt, gameplay cải tiến hợp lý, v.v Spider-Man 2 có rất ít điểm đáng để chê trách. Có chăng từ thời điểm video này lên sóng cho tới khi phát hành chính thức, tựa game này nên được sửa một số lỗi phần mềm để có thể chạy một cách ổn định hơn. Cụ thể thì ở giai đoạn 20% cuối game, tình trạng crash diễn ra cũng có phần thường xuyên, khiến mình phải thoát ra vào lại save file liên tục để tiếp tục trải nghiệm. 

Mặc dù những lần crash đều là vào lúc Người Nhện đã bị hạ gục và màn chơi phải tải lại từ đầu, nhưng tốt nhất chúng ta vẫn sẽ nên lưu game bằng tay trong những ngày đầu sản phẩm được tung ra, đề phòng những trường hợp đáng tiếc. Điểm đáng mừng là trong khi trải nghiệm trước, Sony vẫn có cập nhật cho chúng mình với một số bản vá, vậy nên mình nghĩ rằng với phiên bản chính thức thì game cũng sẽ được hỗ trợ cực kỳ đầy đủ mà thôi. 

Kết luận 

Về cơ bản, đó là trải nghiệm của mình với Marvel’s Spider-Man 2 – một hậu bản cực cháy của phần game trước đó vốn đã cực kỳ thành công. Vẫn với nền đồ họa sống động, gameplay chiến đấu đã tay đã mắt, hệ thống nhiệm vụ đa dạng cùng một cốt truyện trau chuốt, nhưng lần này Insomiac đã cải tiến mạnh mẽ và nâng tầm chúng lên một mức độ mới. Mặc dù game vẫn có những vấn đề nhất định liên quan tới phản diện, hệ thống nhiệm vụ và một vài yếu tố khác nữa, nhưng tất cả không ngăn được mình tận hưởng một trong những sản phẩm chắc chắn là ấn tượng nhất năm 2023. 

By Công Minh

Chẳng chóng thì chày thì cũng 30; nhưng mình vẫn có niềm đam mê lớn với đồ chơi, đồ công nghệ, thẻ bài, bóng đá,... và thích viết dài, viết mãi để nói về chúng.

Related Post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *