Anh em đang có ngân sách không đáy và muốn tìm smartphone chơi game? Anh em mê tít gaming phone nhưng sợ chúng chẳng được gì ra hồn ngoài chơi game. Thế thì hãy để tôi, MGunner, giới thiệu một sản phẩm chứng minh điều ngược lại, đó chính là ROG Phone 7 – gaming phone mới nhất đến từ ASUS Republic of Gamers.
Như tiêu đề, tôi gọi đây là một sản phẩm thiết thực, mà trước giờ đấy là thứ luôn bị nghi ngờ ở gaming phone. Vậy thì định kiến ấy sẽ được phá vỡ như thế nào, anh em hãy đọc tiếp để tìm hiểu nhé.
Thiết kế
Khi đọc về định kiến dành cho gaming phone, một trong những câu chuyện tôi thấy nhiều nhất là về thiết kế. Đồng ý là góc cạnh, màu mè tí thì nó mới gaming, nhưng dù sao đây vẫn là điện thoại, nghe gọi nhắn tin thì như vậy lại bất tiện. Cơ mà ROG Phone 7 lại tránh được điều đó, nhờ vào thiết kế theo tôi khá là tối giản. Cơ bản vì bây giờ, những chi tiết đậm tính flexing như màn hình phụ thì đều được bỏ đi mất rồi.
Sự lược bỏ này hẳn là để làm nổi bật thiết kế lưng hai tông màu, cũng tinh tế của nó phết. Phần trên làm trong mờ với họa tiết chìm dạng vi mạch, còn phần dưới thì lại kín đáo, lấy logo mắt cú làm tâm điểm.
So với những flagship chơi game khác như Ma Thuật Đỏ 8 Pro (Nubia Red Magic 8 Pro) hay Cá Mập Đen 5 Pro (Xiaomi Black Shark 5 Pro), ROG Phone 7 tỏ ra mềm mại hơn và không bị “cơ bắp” quá. Ai sợ người ta nhận ra là dùng gaming phone khi gọi điện, nhắn tin thì thiết kế này quá chuẩn rồi.
Còn nếu cần flexing? Xoay ngang máy là logo nháy, ai cũng thấy rõ. Nhìn chung, ASUS đã khiến tôi phải thích thú với ROG Phone 7, cũng vì lâu lắm rồi mới nghĩ ra nhiều tính từ đến vậy để tả gaming phone, thay vì cứ loanh quanh mấy cái “hầm hố”, “gai góc”,.. chán lắm.
Cảm giác cầm nắm
Trải nghiệm sâu hơn thì tôi nhận ra, vỏ ROG Phone 7 thế này hóa ra không chỉ để ngắm. Không biết anh em có giống tôi không, cầm máy to là phải đỡ bằng ngón trỏ. Và cái chỗ tôi tỳ lên, cái phần trong mờ ấy, lại khá lì để giúp ngón tay bám chắc. Cơ mà bù lại thì vân tay bám ở đây siêu nhiều, vậy nên anh em nên lau thường xuyên nếu muốn đảm bảo thẩm mỹ.
Tiện nói về cầm nắm thì tôi cũng thích cạnh máy vát phẳng, làm điểm tựa cực kỳ hiệu quả khi cầm máy lên. Cơ mà ASUS có thể giúp tôi che cái cổng sạc nằm ngang này khi không dùng được không nhỉ? Nhiều khi ngón giữa cà vào cứ thấy thiếu thiếu, cứ như máy vừa rơi mất miếng nào vậy.
Camera
Bên cạnh thiết kế hay cầm nắm, chụp ảnh cũng là một vấn đề có vẻ nhức nhối trên gaming phone. Camera của chúng thường chỉ được cho là chống mù, không đáng với số tiền siêu đắt mà các hãng đang bán. Cơ mà một nhà báo nổi tiếng đã nói, mấy năm trước là thế còn giờ thì khác rồi. Với hệ thống ống kính độ phân giải cao đo đi kèm cảm biến chất lượng, thành phẩm mà ROG Phone 7 đem lại theo tôi là không hề tệ.
Ở điều kiện đủ sáng thì tất nhiên rồi, chi tiết lên tốt và cực kỳ sắc nét. Zoom lên thì cũng không thấy cái gì quấn vào nhau, giống người viết cái này không quấn được ai nữa vì mới chia tay. Ai nào nào thích ảnh ngả Xanh thì ROG Phone 7 đúng bài, màu ảnh thiên hướng chân thực mà cũng không bị nhạt. Chụp đêm thì máy khiến tôi bất ngờ vì damn, cứu sáng và chi tiết ổn đấy chứ.
Camera selfie trông cũng đáng đồng tiền bát gạo, xóa phông khá tốt, râu ria lâu ngày chưa cạo lên rõ nhờ ống kính 32MP. Đặc biệt anh em còn tắt được HDR để da mặt không bị tự động đẩy sáng – điều mà Apple iPhone 13 Pro tôi đang dùng vẫn cứ là xin thua.
Mặc dù còn vài nhược điểm như đổi tiêu cự trong đêm bị delay hay camera trước không hỗ trợ 4K, ROG Phone 7 vẫn đang đúng hướng trên hành trình xóa bỏ định kiến về gaming phone chụp hình. So sánh với Apple hay Samsung thì ROG Phone 7 có thể chưa bằng, nhưng vẫn sẽ là tốt xét trên mặt bằng chung.
Màn hình
So với smartphone thông thường thì đó, ROG Phone 7 đã giải quyết được kha khá bài toán đau đầu rồi. Còn lại thì chính cái mác gaming phone cũng giúp nó đem tới những trải nghiệm thú vị, điện thoại thường khó mà có nổi. Ví dụ như quả tần số quét lên tới 165Hz, ngang với màn hình máy tính của nhiều anh em. Mượt thế này thì chắc không bị Xanh màn bất ngờ đâu; dùng để lướt Tóp Tóp hay đọc truyện nó vẫn cứ là đã.
Chưa kể để không kém anh em bạn dì, tần số quét trên ROG Phone 7 cũng có thể điều chỉnh tự động. 165Hz đúng ngon thật đấy, cơ mà chạy liên tục thì hao pin lắm. Mà nói tới pin thì lật đằng sau, chúng ta lại có quả pin kép dung lượng lên tới 6.000 mAh, out trình tương đối flagship nên chính ra cũng không phải lo lắm.
Quay trở lại với chất lượng hiển thị thì đây, các sếp cứ nhìn qua mấy cái thông số kỹ thuật là hình dung được nó khủng thế nào. Từ độ rực rỡ, chi tiết các thứ các kiểu, nhìn chung khoản này gaming phone ngày nay cũng được của nó đấy.
Hiệu năng
Đến hiệu năng thì thực ra ban đầu, tôi lười nên tính nói qua thôi. Cơ bản vì trông cái phần cứng quái vật với vi xử lý Qualcomm Snapdragon 8 Gen 2, GPU Adreno 740, 16GB RAM và 512GB SSD thì cũng cạn lời rồi. Chưa kể các sếp còn có cả buồng hơi để tản nhiệt, rồi phần mềm riêng để làm n+1 tính năng tối ưu. Chốt lại sướng như vua cũng chỉ thế là cùng.
Cơ mà lười thì là lười review, chứ chơi game thì tôi vẫn chăm lắm, nên là thôi cũng test tí chống vã với cả có cái chia sẻ. Với mấy bài test kiểu 30 câu đầu thi THPT như Tốc Chiến, PUBG Mobile hay Call of Duty, anh em cứ mạnh dạn đẩy đồ họa cao cho bõ. Ngoài ra thì những cái tên trên đều sẽ có chế độ hỗ trợ 120 FPS, cũng là quá chuẩn với màn hình của ROG Phone 7.
Sang đến bài test học sinh giỏi là Genshin Impact, tôi cũng cố chạy map hay vào bí cảnh test nhân vật mới xem thế nào. Về cơ bản thì máy khá ổn định tại 58 – 60 FPS ở thiết lập Trung bình, thỉnh thoảng lắm lúc lướt, xoay cam hay chuyển cảnh thì khung hình mới khựng, sau sẽ cố đi La Hoàn với mở nhiều vùng đất hơn test cho uy tín.
Có một điều tôi rất thích khi ROG Phone 7 chạy nặng đó là việc nó hạ nhiệt rất nhanh, ngay cả khi vừa benchmark bỏng tay thì cũng nguội trong phút mốt. Hay đó là phần loa kép tiếng siêu to và chất, nghe tiếng súng đạn hay waifu đọc thoại thì hết cả nước chấm luôn.
Dưới đây là một vài bài test được thực hiện trên ROG Phone 7, anh em có thể tham khảo:
Phụ kiện
Cuối cùng thì về phụ kiện đi kèm ROG Phone 7, ASUS vẫn cho anh em mấy thứ khá là cơ bản thôi. Chúng ta sẽ có một chiếc ốp lưng thời thượng, củ sạc 65W cùng dây C-to-C bện dù. Hí hửng tưởng củ 65W này sạc được cho laptop, nhưng tìm hiểu lại thì hóa ra là không được. Thế là giờ đi đâu cầm cả laptop lẫn smartphone thì tôi vẫn phải mang hai củ sạc, âu cũng hơi bất tiện.
Tạm kết
Về cơ bản thì đó là ROG Phone 7, chiếc gaming phone theo tôi là thiết thực nhất trong tất thảy sản phẩm cùng loại. Thiết thực ở đây không chỉ nói đến khoản chơi game, mà còn là việc nó sẽ hỗ trợ các sếp rất tốt cả với nhu cầu thường ngày, cũng như phù hợp với tiêu chuẩn thẩm mỹ được Apple, Samung hay Xiaomi định hình để trở nên gần gũi và canh tranh dễ dàng hơn.