Với những anh em đam mê gaming gear thì có lẽ, chú chuột trên tay mình đây chẳng phải thứ gì quá là xa lạ nữa. Còn dành cho những ai chưa biết thì đây là HyperWork Helios – một trong những tân binh đáng chú ý nhất của phân khúc chuột gaming giá rẻ – tầm trung tại thị trường Việt Nam. Thoạt đầu khi lấy về con chuột này, mình đã nghĩ rằng bản thân sẽ phải trải qua khoảng thời gian không quá tốt đẹp. Nhưng may mắn là mọi thứ vẫn đủ ổn để mình xoay sở, để rồi nhìn được hóa ra Helios cũng cực kỳ chất lượng y như lời đồn – ngay cả khi phải đứng cạnh những thương hiệu Trung Quốc đang xâm chiếm phân khúc 1 triệu Đồng trong thời gian gần đây.

Để rồi mình nhận ra rằng, HyperWork Helios cũng chẳng cần cái mác “thương hiệu Việt” để có thể tỏa sáng. Trái lại, bản thân nó với những phẩm chất sẵn có là thừa đủ để đưa người dùng “nhập môn” chuột không dây siêu nhẹ một cách an toàn – xem tiếp để thấy con chuột này hay ra sao và an toàn thế nào nhé. Chắc chắn rồi, bài viết hay video này sẽ không có bất kỳ booking nào, nhưng sau này hi vọng là có để dải sản phẩm mình được cầm đa dạng hơn, nội dung chia sẻ cũng nhiều hơn.

HyperWork Helios với mình suýt là một con chuột tệ…

Trước khi đi vào nói về những điểm tích cực của con chuột này, hãy đi vào lý do đã khiến cuộc tình giữa mình và nó những tưởng không thành, đó là việc nó quá nhỏ. Nhiều người gọi đây là một con GPro X Superlight Mini thì đúng là như vậy, nó mini thật. Mình cũng có vừa thử mượn lại sản phẩm kể trên của nhà Logitech mà cầm thì ít nhất, phần thân vồng lên của nó có thể chạm được khá sâu vào lòng bàn tay, còn Helios thì không.

Một con chuột dù công nghệ có tốt đến mấy, build ngon đến đâu,.. nhưng mà không vừa tay anh em thì sẽ chỉ mãi mãi là sản phẩm không phù hợp. Bản thân mình trước đây đã quen với form cầm rất to của Logitech G603 LIGHTSPEED hay ASUS TUF M3 Gen II, và cũng biết trước là Helios sẽ phần nào nhỏ hơn để chuẩn bị tinh thần, nhưng khi nhận hàng rồi thì cũng không ngờ là nó lại nhỏ đến như thế này, anh em nào cũng kiểu kiểu vậy thì nên để tâm.

Và một mẹo mà mình thấy anh em có thể tận dụng khi đi mua HyperWork Helios đó chính là việc khi nhân viên mang hộp chuột ra, bạn có thể ướm thử dáng cầm của mình lên hình sản phẩm trên bao bì. Bởi vì được in theo đúng kích thước thật của con chuột bên trong, nên mình thấy đây cũng có thể là một dạng căn cứ để bạn cân nhắc – còn nếu cửa hàng mà có hàng bóc seal để trải nghiệm thì quá tuyệt vời rồi.

Và cũng chính từ cái hộp này, hãy cùng đi vào nói sâu hơn về HyperWork Helios. Vì đây cũng chính là trạm khởi đầu cho mọi sự hứng thú của mình với sản phẩm này – tất nhiên là cũng đi kèm một chút gờn gợn. Cùng xem nhé.

Đóng hộp

Về phần đóng hộp thì ấn tượng đầu tiên của mình với Helios là nó to chà bá, to đến mức mình cứ nghĩ đây là hộp đựng micro hay gì đó chứ không phải là một chú chuột. Còn nhớ hồi mua Logitech G603 LIGHTSPEED, mình đã phải bất ngờ khi nhận được hàng từ shipper vì cái hộp bỏ vào chật cả cặp thì giờ đây, cảm giác đó cũng lại xuất hiện với sản phẩm nhà HyperWork.

Trên hộp thì có rất là đầy đủ về thông tin sản phẩm, từ tên cho tới thông số kỹ thuật các kiểu. Tuy nhiên có một điều mình rất mong HyperWork cải thiện là về ngôn ngữ in trên vỏ, nên có thêm tiếng Việt để phù hợp hơn với thị trường nước ta, cũng như chính bản thân thương hiệu được lập ra bởi hai người trẻ Đông Lào.

Bản thân mình luôn thích những sản phẩm công nghệ đi kèm nhiều phụ kiện, để có thể trải nghiệm nhiều hơn và phần nào tùy biến cho hợp với bản thân. HyperWork cung cấp kèm Helios – nhân vật chính nằm ở góc trái trên hộp đựng rất nhiều thứ: Một sợi cáp USB-C, một đầu cắm dongle, và đặc biệt một bộ grip tape cũng như feet thay thế đầy đủ – thể hiện tinh thần “bắt trend” cũng như giải quyết câu hỏi: Sản phẩm mới thì kiếm đồ custom ở đâu?

Chú chuột của mình thì đã dùng được vài tuần rồi, và bộ grip tape này thì cũng được dán ngay từ khi bóc hộp. Theo nhiều đánh giá chuyên sâu thì đây cũng không phải là bộ grip tape xịn xò nhất, nhưng để so với mấy cái bản thân hay mua trên Shopee thì đúng là hơn hẳn, cầm vào thấy rõ khả năng bám tay – nhìn chung là đáng tin tưởng khi mà lớp coating của chuột thuộc dạng kén người dùng, ai ra nhiều mồ hôi là trơn tuột ngay.

Thiết kế

Về thiết kế thì trước hết, hẳn anh em chơi chuột Tàu sẽ nhận ra ngay sự quen thuộc. Cụ thể hơn thì nếu tra Google, chúng ta sẽ thấy ngay một và có thể một vài sản phẩm có phom dáng tương tự Helios – tiêu biểu như Ironcat HPC01M. Nếu mà HyperWork có đặt hàng OEM con chuột này thì cũng là điều có thể tiên liệu, để tối ưu thêm về chi phí và năng lực sản xuất. Ngoài ra thì họ cũng không PR rầm rộ là “thiết kế của người Việt” nên là… ổn thôi.

Ngoài ra, nếu đi đặt OEM mà được một bộ khung thực sự chất lượng thì đó là điều đáng mừng, vì sau cùng chính người dùng chúng ta sẽ được hưởng lợi. Và đó cũng chính là điều HyperWork đã làm được với Helios. Mình thích những đường nét uốn lượn trên sản phẩm này, tất cả đều là vừa đủ, tạo nên sự mềm mại cho sản phẩm và cũng rất phù hợp với độ uốn lượn của ngón tay – cỡ tay vừa cầm vào cái “ăn” luôn.

Với thiết kế đối xứng, HyperWork Helios có thể được cầm theo khá nhiều kiểu, tương tự người đàn anh hay được đặt cạnh nó là GPro X Superlight. Claw Grip và Fingertip với mình sẽ là hai kiểu cầm tốt nhất, nhưng nếu cầm Palm thì cũng không phải một lựa chọn tệ – tất nhiên nếu cỡ tay bạn cho phép – vì main click của con chuột này được đặt với độ sâu vừa phải, không bị vọt lên hẳn trên gây khó chịu như vài cái tên khác.

Độ cứng cáp là một điểm cộng nữa cho HyperWork Helios, khi lớp nhựa gõ vào vẫn chưa đanh lắm của nó hóa ra lại cực kỳ bền chắc. Mình có bóp thử hai bên thân chuột rất mạnh thì hiện tượng lõm vào không hề xảy ra. Và tình cờ vào hôm lấy sản phẩm này thì cũng được nắn thử “vua chuột giá rẻ” VGN F1, để rồi độ lõm thấy được bằng mắt thường của nó càng khiến mình trân trọng Helios nhiều hơn.

Tuy nhiên, con chuột này khi lắc mạnh một chút thì sẽ thấy có tiếng lọc xọc, trước hết là do cái nút chỉnh DPI này chỉ là nắp che cho khu vực đặt dongle phía dưới. Đây là nước đi cũng khá là ra gì và này nọ của nhà sản xuất, thông minh mà cũng khiến phía đáy chuột được thẩm mỹ hơn, cơ mà mỗi tội tháo dongle ra, tháo cả nút DPI ra mà vẫn lọc xọc, chứng tỏ sản phẩm này vẫn gặp đôi chút vấn đề ở khâu sắp xếp linh kiện bên trong.

Với mình, đó cũng sẽ là nhược điểm duy nhất về thiết kế và độ hoàn thiện của HyperWork Helios. Còn lại thì so sánh với thị trường chuột cùng tầm giá, cả với thương hiệu lớn lẫn thương hiệu Tàu, thì đây vẫn là một cái tên với nhiều điểm cộng thiết thực: Độ cứng cáp, khả năng tương thích đa dạng form cầm và hơn thế nữa – những thứ mà chúng ta có thể nhận biết và chứng thực bằng mắt thường.

Cấu hình chuột

Về phần cứng, HyperWork Helios theo mình thấy là được cấu thành từ những linh kiện khá là quen thuộc. Từ cảm biến PAW 3395, switch Huano Blue Shell Pinkdot, con lăn TTC Golden chống bụi hay feet chuột 100% PTFE, v.v. Tất cả đều ít nhiều từng xuất hiện trên thị trường. Không có gì đột phá, nhưng chúng vẫn thỏa mãn được điều quan trọng nhất là chất lượng. Với một game thủ bình thường không tryhard như mình, mọi thứ vẫn rất trơn tru.

Ngoài ra khi so sánh với nhiều sản phẩm cùng tầm giá từ các thương hiệu lớn, cấu hình này vẫn vượt trội về độ xịn xò. Cơ bản vì ở tầm giá khoảng 1,5 triệu Đồng của Helios, những tên tuổi nổi tiếng hơn như Razer với dòng Basilisk, Logitech G hay Corsair qua từng năm thường sẽ chỉ được sửa những lỗi tồn đọng, trong khi vẫn tin dùng phần cứng từ nhiều năm về trước – thứ sẽ không được lòng các game thủ tryhard hiện thời cho lắm.

Về những yếu tố khác như polling rate 1000Hz hay DPI tối đa 6400 thì với nhu cầu cá nhân, thực sự là mình không quá quan tâm. DPI thì là do mình dù sao cũng chỉ để hai nấc là 1600 và 2400 để làm việc cũng như chơi game, cao quá cũng không dùng được hết, còn 1000Hz polling rate thì theo mình biết đó cũng là con số tiêu chuẩn trên nhiều dòng chuột hiện nay, ít nhất sẽ đảm bảo cho những ván CS2, VALORANT vui vẻ của mình diễn ra tốt đẹp.

Trải nghiệm sử dụng

Khi sử dụng HyperWork Helios, mình thấy ấn tượng nhiều hơn với trọng lượng khoảng 58g của nó. Tất nhiên, không phải ai cũng sẽ hợp với mức cân nặng này dù đó đang là xu thế của chuột gaming, nhưng cá nhân mình từ khi chuyển từ G603 gắn một pin qua Helios thì chơi game hay làm việc đều thong dong hơn hẳn: Cổ tay đỡ mỏi hơn, flick tâm dễ hơn, chưa kể đợt này đang thử tập tành DPI 2400 mới nên chuột nhẹ cũng giúp mọi thứ được dễ dàng.

Tất nhiên, cân nặng nhẹ nhàng cũng đồng nghĩa với tính cơ động. Cộng thêm kích thước khá nhỏ như đã nói, HyperWork Helios sẽ có thể được dễ dàng mang đi khắp nơi để chúng ta chơi game, làm việc dễ dàng. Nhắc đến làm việc, khả năng hỗ trợ 3 kiểu kết nối là có dây, Bluetooth và receiver 2.4GHz sẽ phải được đề cập. Chẳng hạn nếu anh em như mình, đi làm dùng MacBook ở nhà dùng PC Windows, kiểu gì con chuột này cũng đáp ứng được hết.

Về phần nút bấm, switch Huano Blue Shell Pinkdot đem lại cảm giác nảy tốt, tương tự như vậy với hai nút Back và Forward ở hông trái, ổn áp để chơi game và sử dụng văn phòng thông thường. Tuy nhiên, một số nhận định từ các game thủ tryhard cho biết rằng click trái phải của Helios có thể xuất hiện pre-travel (Khoảng cách từ switch tới vỏ click chuột mà người chơi có thể cảm nhận được – Source: Neyako Phạm), nên là nếu chơi các game cần click liên tục như MOBA, RTS, v.v. ở mức độ cao thì anh em nên cân nhắc.

Kết hợp với trải nghiệm cầm nắm như đã nói phía trên, HyperWork Helios đem lại sự an tâm lớn hơn mình tưởng rất nhiều trong quá trình sử dụng. Mình không phải một game thủ tryhard leo rank nên những chia sẻ chuyên sâu hơn là chưa có, tuy nhiên ít nhất nếu bạn ban ngày đi làm, ban đêm chơi custom vui vẻ, thỉnh thoảng phải vượt qua những màn đấu súng trong AAA thì Helios vẫn sẽ là một cái tên chất lượng.

Cuối cùng thì về thời lượng pin, mình tương đối hài lòng với viên pin 500mAh trên HyperWork Helios. Mình cũng không thấy cái gì giống như chế độ tiết kiệm pin trên con chuột này, nhưng khi sử dụng nó một ngày khoảng 6-8 tiếng cả văn phòng lẫn chơi game thì cũng phải hơn một tuần mới phải cắm sạc – có thể nói là ở mức tạm ổn.

HyperWork Helios có đang bị “ngáo giá”?

Về giá niêm yết, HyperWork đang để giá cho Helios trên website là 1.590.000đ. Mình biết là nhiều anh em sẽ không có thiện cảm với sản phẩm với con số này, và bản thân mình cũng không phải ngoại lệ – cốt vì ở ngưỡng giá đó thì có quá nhiều lựa chọn chất lượng hơn. Từ những mẫu chuột Tàu như VGN F1, Ninjutso Sora cũ, Lamzu Atlantis Mini cũ,… cho tới cả những thương hiệu lớn như Logitech với GPro Superlight cũ, nói chung là vô kể.

Ngoài ra, việc phải mang mác “thương hiệu Việt” đôi lúc lại là một lời nguyền. Tất nhiên không phải chê trách gì người Việt Nam chúng ta, chỉ là trong giới công nghệ thì đã có không ít tên tuổi nước nhà nổi đình nổi đám với những chiêu bài PR, để rồi gây thất vọng với thành phẩm hoặc dịch vụ hậu mãi không như mong đợi, dẫn tới những định kiến không được hay ho từ cộng đồng áp đặt lên thế hệ đi sau.

Tuy nhiên nếu tìm ở các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn thì anh em sẽ thấy, mẫu chuột này thường sẽ chỉ có giá khoảng 1.300.000đ mà thôi. Một số nơi có thể là khoảng 1.400.000đ nhưng được tặng kèm thêm pad chuột Fable 40 x 40cm. Chưa kể với mỗi mùa sale, các gian hàng điện tử lại có rất nhiều voucher. Bản thân mình cũng săn được Helios với giá chỉ hơn 1.100.000đ đã tính ship, vậy nên thực ra nó cũng không đắt như chúng ta tưởng.

Vậy nên cũng không sai nếu giờ đây, chúng ta có thể đặt Helios ở một tầm tiền thấp hơn ban đầu khá nhiều. Và lúc đó thì sản phẩm lại trở nên giá trị hơn với tất cả những điểm cộng kể trên, cộng thêm quân “át chủ bài” cực kỳ quan trọng: Chế độ bảo hành chính hãng tại thị trường Việt Nam – thứ mà anh em chơi chuột Tàu tầm 1 triệu Đồng dễ là không có, còn các hãng lớn thì… không bán chuột siêu nhẹ không dây ở tầm giá này.

Bạn sẵn sàng không cần bảo hành hãng để phiêu lưu cùng những VGN F1, Phylina S450 hay Attack Shark F1? Cứ thoải mái thôi. Tuy nhiên nếu là người không thích rủi ro mà vẫn muốn trải nghiệm chuột gaming siêu nhẹ, muốn 1 triệu Đồng bỏ ra là phải mua được đồ “chất”? Khi đó HyperWork Helios (nhớ mua ở các đơn vị bán lẻ hoặc săn sale TMĐT) sẽ là lựa chọn ổn áp hơn rất nhiều – với chất lượng rõ ràng có thể làm nên chuyện ở thị trường Việt đi kèm hậu mãi chu đáo làm an lòng game thủ.

By Công Minh

Chẳng chóng thì chày thì cũng 30; nhưng mình vẫn có niềm đam mê lớn với đồ chơi, đồ công nghệ, thẻ bài, bóng đá,... và thích viết dài, viết mãi để nói về chúng.

Related Post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *