Dịch từ bài viết “Arsene Wenger interview: The full transcript of his wide-ranging talk with RTL’s Christine Kelly” trên football.london.
Trong một buổi phỏng vấn trên sóng RTL, MC Christine Kelly đã có dịp hỏi Arsene Wenger những câu hỏi về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Dưới đây là bản ghi lại những câu trả lời của cựu huấn luyện viên Arsenal.
Lời người viết: Đã vài năm kể từ khi mình gõ ra bài dịch này, nhưng vẫn chưa có sản phẩm nào khiến bản thân hứng thú đến như hồi đó trong quá trình hoàn thiện. Nhân tiện thì chúc mừng sinh nhật, Arsene!
Arsene Wenger, ông sẽ thông qua điều luật gì nếu ở trên cương vị Tổng thống nước Pháp?
Tôi sẽ đưa bóng đá vào mọi trường học trên toàn nước Pháp và biến nó thành một môn học bắt buộc.
Nếu có thể lược bỏ đi một khoảnh khắc trong cuộc đời mình, ông sẽ chọn…
Tất cả những trận thua trong suốt nghiệp cầm quân.
Nhưng chúng cũng không xuất hiện quá nhiều mà…
Thật ra là nhiều hơn bạn nghĩ đấy. Mỗi trận thua với tôi không chỉ giống như một vết sẹo không lành, mà còn là một nỗi thất vọng lớn lao.
Viễn cảnh mà theo ông là lý tưởng nhất trong một trận đấu là gì?
Thật ra thì tôi cũng không rõ nữa, có thể là việc cả đội có thể chơi bóng một cách hài hòa trong suốt cả trận đấu. Những khoảnh khắc như vậy diễn ra không nhiều, nhưng nó khiến bạn cảm thấy công việc của mình trở nên thú vị hơn bao giờ hết.
Còn về sai lầm lớn nhất của bản thân thì sao? Liệu ông có sẵn lòng cho mọi người được biết?
Có lẽ đó là việc tôi đã gắn bó với một đội bóng trong suốt 22 năm. Tôi là người thích xê dịch, nhưng những thử thách cũng khiến bản thân tôi hứng thú không kém. Có nhiều lúc, tôi đã bị giữ chân bởi chính những điều mà mình cho là thú vị kia.
Nỗi sợ lớn nhất của ông là…?
Mất đi khả năng tự rèn luyện thân thể. Tôi thích việc cơ thể mình còn linh hoạt như bây giờ. Tập thể dục cũng là thú vui của tôi và việc không thể tự mình làm điều đó đúng là một nỗi sợ lớn.
Ông muốn mình được tha thử bởi những ai?
Đó là những người do tôi mà đã từng phải chịu thiệt thòi. Những người như vậy đã ít nhiều bị tổn hại bởi những quyết định được đưa ra từ tôi cùng các cộng sự trong suốt nghiệp cầm quân của mình, dù chúng có thể khiến cho phần còn lại cảm thấy hài lòng.
Ngoài ra; tôi cũng cảm thấy có lỗi với những cầu thủ mà dưới sự dẫn dắt của tôi, đã không thể đạt tới đẳng cấp tương xứng với tiềm năng của mình.
Và nếu có thể hoán đổi sự nghiệp với một người khác, đó sẽ là…?
Bất kì ai có thể giúp cho cuộc sống của nhiều người trở nên tốt đẹp hơn. Có thể là một chính trị gia, hoặc một ai đó với những nghiên cứu mang tính đột phá trong y học.
Nếu có một buổi tối đặc biệt cho riêng mình, ông sẽ tận hưởng nó cùng ai?
Đó sẽ là một buổi trò chuyện bình thường… Không nhất thiết phải vậy nhỉ? Tôi thích nói chuyện về triết học. Moses sẽ là cái tên mà tôi chọn. Tôi muốn biết ông ấy nghĩ gì về Mười điều răn của Chúa, và cả những gì đã tạo nên chúng ta từ thuở hồng hoang nữa. Tôi thấy mọi thứ đều rất chặt chẽ, còn ông ấy thì sao nhỉ?
Còn về điều gì đó khiến ông cảm thấy có lỗi với bản thân mình nhiều nhất?
Tình yêu của tôi dành cho bánh ngọt. Tôi tới từ Strasbourg mà, nên tôi ăn chúng mỗi ngày.
Và sau đó ông lại tập thể dục?
Đúng.
Nếu như không theo đuổi bóng đá, ông sẽ làm gì khác?
Tôi sẽ thử sức mình ở một lĩnh vực nào đó giàu tính cạnh tranh. Tôi thích điều đó. Có hai kiểu mục đích trong cạnh tranh: Tìm tới chiến thắng vì ghét cảm giác thất bại, hoặc tìm tới chiến thắng đơn giản chỉ vì thích cảm giác có được nó. Chúng ta, bằng một cách nào đó, đều có trong mình cả hai thứ trên. Với tôi thì tôi nghĩ rằng phần ghét thất bại chiếm nhiều hơn con người mình.
Nói chung thì những người yêu thích việc chiến thắng thì thường là những cầu thủ tấn công, còn những ai ghét sự thất bại thì thường làm điều ngược lại.
Và nếu như ông không phải là một người con của Alsace…?
Nếu vậy thì tôi sẽ là một chàng trai thành thị. Dù sao thì những bến cảng cũng không hấp dẫn tôi cho lắm.
Không nhiều người biết rằng ông thích nhạc của Bob Marley, Arsene…
Tôi yêu nhạc của Marley. Ông ấy ở một đẳng cấp hoàn toàn khác với phong cách phóng khoáng của mình. Lúc bấy giờ, âm nhạc của ông ấy đã khiến mọi người phải kinh ngạc. Ông ấy đã từ giã cõi đời khi mới chỉ ở tuổi 35, một điều thực sự buồn. Một người yêu thể thao cũng như âm nhạc… Với tôi, Jamaica gợi cho tôi những điều như thế. Bóng đá và âm nhạc, tôi thấy chúng đi đôi với nhau rất hợp đấy chứ.
Mọi thứ (Bóng đá) đã bắt đầu với ông như thế nào?
Mọi chuyện bắt đầu ở một nhà hàng nhỏ. Đó là đại bản doanh của một đội bóng địa phương, năm ở một thị trấn nhỏ ở bên ngoài Strasbourg. Tôn giáo và bóng đá, đó là những gì tôi thường nghe được ở những cuộc trò chuyện diễn ra tại nơi này.
Tôi tham gia vào mọi cuộc trò chuyện mà ở đó có mặt những người sáng lập ra đội bóng và sớm thấy được rằng, họ là một tập thể chẳng tiếng tăm gì. Tôi bắt đầu tới xem những trận đấu của họ.
Tôi nghĩ khi đó chỉ có Chúa mới có thể giúp được họ, nên tôi thường cầu kinh cho đội bóng trong suốt trận đấu cũng như cả những giờ nghỉ giữa trận. Một tiền đạo cắm giỏi là những gì họ cần, thay vì trông chờ vào sự may mắn nhờ Kinh Thánh.
Đó có phải là đội bóng mà cha của ông đang dẫn dắt không?
Ông ấy thành lập nên đội bóng vì thấy rằng tôi có hứng thú với các trận đấu. Tôi bắt đầu chơi bóng từ khi 13 tuổi. Khi đó đội bóng không có huấn luyện viên. Đến năm tôi 19 tuổi, vẫn chưa có ai được bổ nhiệm để làm công việc đó cả.
Tôi đã và đang gắn bó với bóng đá suốt bao năm qua dù cho đã gặp phải những khó khăn như vậy từ những ngày đầu tiên, khá là bất ngờ nhỉ. Với tôi, đó là một sự may mắn vô cùng lớn.
Ông đã chơi bóng ở Strasbourg và trở thành huấn luyện viên ở tuổi 33. Có phải việc thiếu vắng đi một người thầy trong những ngày đầu sự nghiệp là một phần lí do khiến ông chuyển sang công tác huấn luyện?
Thật ra thì, lúc đầu tôi cũng không nghĩ là mình sẽ trở thành một huấn luyện viên. Tôi nghĩ rằng mình không hội tụ đủ những gì cần có để làm công việc này. Tiếng tăm khi còn chơi bóng, khả năng lãnh đạo bẩm sinh,… Tôi không có mấy thứ đó.
Tôi bén duyên với công việc huấn luyện cũng là nhờ những người xung quanh và những gì họ thấy được ở con người tôi. Đó là những điều mà chính tôi cũng không hề nhận thấy ở bản thân mình. Tôi làm việc với những cầu thủ lớn tuổi hơn mình trong những ngày cầm quân đầu tiên.
Có một nghịch lý là mặc dù không có khả năng lãnh đạo bẩm sinh; tôi vẫn không gặp vấn đề gì trong việc chỉ đạo các cầu thủ, dù trong đội có những người lớn tuổi hơn mình. Thậm chí tôi cũng không cần phải to tiếng với họ.
Việc cập bến Premier League vào năm 1996 hẳn là một bước ngoặt lớn đối với ông và cái tên Arsene Wenger khi ấy bỗng chốc đã trở thành tâm điểm của sự chú ý. Liệu đó có phải một sự bất ngờ đối với ông?
Có, vì khi ấy người ta thường cho rằng những huấn luyện viên ngoại sẽ khó có thể làm nên chuyện tại Premier League. Cũng có rất ít những người nước ngoài cầm quân ở giải đấu này trước khi tôi đến, hai hay ba người gì đó thì phải.
Họ không muốn một ông thầy ngoại đặt chân vào Premier League. Họ có hàng tá lí do để tin rằng các huấn luyện viên nước ngoài sẽ trắng tay ở giải đấu của mình. Tựu chung lại, tất cả đều cho rằng cơ hội cho những người như tôi là rất nhỏ.
Tôi đến với Premier League từ Nhật Bản, một đất nước mà tôi rất yêu mến. Tôi thích việc được trở lại châu Âu nhưng nếu như mọi thứ không được như mong muốn, quay về xứ sở Mặt trời mọc cũng là một ý tưởng không tồi chút nào.
Truyền thông Anh có những lúc đã cố gắng làm khó ông với đống tin tức lá cải của mình. Ông đã đối phó với điều đó ra sao?
Họ đưa lên rất nhiều những câu chuyện, phần lớn trong số đó đều là sai sự thật cả. Khi bạn làm một công việc khiến bản thân phải xuất hiện thường xuyên trước công chúng, bạn sẽ sớm trở thành tâm điểm của những lời đồn đoán. Tập trung vào mục tiêu trước mắt là cách duy nhất để giải quyết vấn đề còn về những tin đồn thất thiệt, chúng sẽ sớm trở về với đúng vị trí của mình trên mặt báo thôi.
Và đó cũng là lúc người ta thấy được khả năng vượt qua khó khăn của ông. Ông đã thay đổi bóng đá Anh rất nhiều. Ông đã làm điều đó như thế nào? Dinh dưỡng, tập luyện,… ông có thể nói chi tiết hơn về chúng được không?
Tôi luôn cố gắng làm những điều để mọi người có thể yêu môn thể thao này nhiều hơn. Với lũ trẻ, độ tuổi 13-14 là lúc chúng bị cuốn hút bởi những sân chơi. Ở đó, chúng chơi bóng đá và yêu thích những trận đấu.
Khi bạn phải chơi bóng để nuôi sống chính mình, dường như mọi thứ sẽ mang tính bắt buộc nhiều hơn. Bạn “phải” luyện tập, bạn “phải” chiến thắng, bạn “phải” ghi bàn. Bóng đá lúc này sẽ ít vui vẻ hơn rất nhiều.
Tôi luôn cố gắng xây dựng triết lý xoay quanh niềm đam mê chơi bóng, đồng thời nuôi dưỡng đam mê đó bên trong mỗi con người.
Ông đã đưa đội bóng lên ngôi vô địch mùa giải 2003-04 với thành tích bất bại. Điều gì đã làm nên mùa giải phi thường ấy?
Chính xác mà nói thì chúng tôi đã bất bại trong hơn một mùa giải, 49 trận đấu. Thật sự là rất thú vị vì sau khi giành chức vô địch Premier League hồi năm 2002, tôi có chia sẻ với cánh báo chí rằng mình muốn lên ngôi giải đấu với thành tích bất bại.
Tôi đã bị xem như một gã tự phụ, kiêu căng,… đại loại thế. Chúng tôi đã để mất danh hiệu vô địch vào tay Manchester United ở mùa giải sau đó. Đến mùa giải 2003/04, tôi có hỏi các cầu thủ về lí do mà toàn đội không thể lên ngôi vương. Họ nói rằng đó là lỗi của tôi. Tôi tiếp tục hỏi về lí do cho câu trả lời ấy.
Họ nói: “Thầy tạo áp lực quá lớn lên chúng con.” Đó cũng là một chi tiết thú vị khác. Tôi nói với các cầu thủ rằng lí do tôi trả lời như vậy với cánh báo chí vì tôi thực sự tin họ có thể làm được, và họ đúng là đã làm được. Chiến công này đã chứng minh hai điều sau:
Một là, đôi khi chúng ta vẫn chưa có đủ tham vọng để có được điều mình muốn. Chúng ta quá sợ hãi mà không dám bắt tay vào làm thử. Thay vào đó, hãy cố gắng đặt mức tham vọng ở ngưỡng cao nhất có thể.
Hai là, muốn ăn quả ngọt thì phải kiên trì gieo trồng chăm bón.
Và làm thế nào để ông có thể giữ được sự tập trung trong suốt 10, 20, rồi 30 trận đấu?
Bước này thì khó hơn rất nhiều. Rất khó là đằng khác. Đàn ông thường hài lòng với những gì mình đã đạt được. Toàn đội cần phải thường xuyên có thêm những khát vọng mới, những cột mốc mới. Cần có những câu hỏi kiểu như: “Mục tiêu tiếp theo sẽ là gì đây?”
Chúng ta đều muốn được bao bọc bởi sự an toàn. Chúng ta không muốn phải chịu những thương tổn nhưng cũng chính vì điều này mà mọi người sẽ không thể đạt tới những cột mốc cao hơn nữa. Nếu không thể tự nhận thức được bản thân mình mong muốn điều gì, muốn đi tới đâu,… Bạn sẽ mãi chỉ giậm chân tại chỗ mà thôi.
Đặc biệt là khi bạn thi đấu đỉnh cao, sẽ không có chỗ cho những điều tôi vừa nhắc tới. Không phải ai cũng có thể sống sót trong môi trường đỉnh cao. Một chuyên gia đã nói với tôi rằng; điểm mấu chốt không phải là việc động lực thúc đẩy chúng ta mạnh hay yếu, mà là liệu chúng ta có thể liên tục có được nó hay không. “Tính bền” có lẽ sẽ là cái tên thích hợp dùng để chỉ yếu tố trên.
Những người được thúc đẩy một cách liên tục sẽ có thể làm việc chăm chỉ từ thứ Hai cho tới tận Chủ Nhật, thay vì chỉ đến thứ Ba hay thứ Năm.
Hãy cùng nói về triết lý bóng đá của ông. Ông cảm thấy thế nào về bóng đá hiện đại nói chung?
Tôi thấy rằng chúng ta thường sẽ coi trọng không chỉ là kết quả (thắng), mà còn là cách để có được nó. Khi bạn có thể kết hợp được phong cách chơi bóng vốn có của bản thân và phong độ trên sân, chiến thắng sẽ là kết quả tất yếu.
Người ta luôn bảo với tôi rằng đội bóng cần phải chiến thắng vào mỗi thứ Bảy hàng tuần. Là một huấn luyện viên, tôi hiểu điều đó chứ. Câu hỏi giờ đây là làm thế nào kia.
Thử tưởng tượng thế này xem: Vào buổi sáng của ngày diễn ra trận đấu, một cổ động viên thức dậy, vươn vai và nghĩ rằng: “Ồ đúng rồi, hôm nay là ngày mà đội bóng của mình sẽ thi đấu.” Cậu ấy lập tức trở nên hứng khởi hơn nhiều, khác với mọi ngày. Tôi thích hình dung ra một viễn cảnh như thế.
Tôi luôn cố gắng đặt mục tiêu để cho anh chàng đó có thể cảm thấy hưng phấn khi tới sân và hi vọng vào một trận đấu tốt cho đội nhà. Tuy vậy đôi lúc bản thân tôi biết rằng, mình vẫn sẽ khiến cậu ta phải thất vọng.
Bạn không thể trở thành huấn luyện viên, mà có thì cũng sẽ chỉ ở mức thường mà thôi, nếu không có cho mình một động lực nào như thế. Bạn cần phải hiểu rằng, nhiệm vụ của mình là khiến các cổ động viên hài lòng.
Theo ông, đâu là yếu tố cốt lõi làm nên một nhà quản lí, một huấn luyện viên giỏi?
Một huấn luyện viên giỏi là người có đủ khả năng để khai thác tối đa sức mạnh của cả tập thể. Đó là những gì tôi đúc kết được không chỉ từ những trải nghiệm của bản thân, mà còn từ rất nhiều góc nhìn khác nhau.
Bạn không nhất thiết phải giành được chức vô địch để trở thành huấn luyện viên xuất sắc nhất mùa giải. Không hẳn vậy. Tuy vậy, đánh giá chính xác thực lực của một huấn luyện viên là một việc không hề dễ dàng. Không ai trong chúng ta có thể biết chắc rằng liệu người đó có đủ khả năng để khai thác tối đa sức mạnh của các cầu thủ hay không.
Đó là lí do vì sao mục tiêu lớn nhất của tôi là lên ngôi vô địch với thành tích bất bại. Nếu như sau này có những người vượt xa tôi, sẽ là không dễ để họ có thể xô đổ cột mốc ấy.
Là một huấn luyện viên thì chắc hẳn ngoài các cầu thủ, ông còn phải giữ nhiều thứ khác nằm trong tầm kiểm soát: Ban lãnh đạo, giới truyền thông, những người hâm mộ,…
Với tôi, có ba yếu tố chính cần được theo sát. Thứ nhất là mối quan hệ giữa lối chơi của đội bóng và kết quả nó đem lại. Thứ hai là mức độ tiến bộ của các cầu thủ. Có những người làm việc rất chăm chỉ với các cầu thủ nhưng lại chẳng để ý được học trò của mình đã và đang cải thiện ra sao.
Thứ ba, đó là những giá trị cũng như những điều cốt lõi mà bạn muốn đưa vào tập thể của mình. Đây là yếu tố ngoài chuyên môn và chính nhờ những điều này mà trong mắt người hâm mộ trên toàn thế giới, đội bóng của bạn có thể để lại ấn tượng sâu đậm hơn.
Gía trị là một khái niệm được ông đề cập tới khá là thường xuyên. Ông có ý gì khi nhắc đến điều đó? Theo ông, đâu là những “giá trị” trong bóng đá cũng như trong công việc huấn luyện của mình?
Gía trị trong bóng đá nằm ở việc khai phá được tất cả những gì tốt đẹp nhất mà tính đồng đội trong thể thao có thể đem lại cho chúng ta. Những cái riêng được sắp xếp hợp lí để làm nên cái chung. Chủ nghĩa cá nhân nhường chỗ cho sự sẻ chia về mặt cảm xúc. Cái đẹp sẽ có ý nghĩa hơn nếu được nhìn ở tổng thể. Đồng thời, chúng ta cần tôn trọng đồng đội, đối thủ, những người hâm mộ và cả các trọng tài nữa.
Và quan trọng hơn cả, đó là không được để bản thân trở nên tầm thường. Đó là giá trị sau cùng mà tôi muốn nói đến. Bạn phải đòi hỏi nhiều hơn ở bản thân mình. Bạn không thể cứ mãi chấp nhận vị trí hiện tại của bản thân. Thay vào đó, hãy nhìn xa hơn và cống hiến nhiều hơn nữa.
Để có được sự nghiệp như bây giờ, ông hẳn đã phải hi sinh rất nhiều thứ. Đâu là những điều đã mất khiến ông cảm thấy hối hận nhất?
Mọi thứ, vì tôi nhận ra rằng mình đã làm tổn thương rất nhiều người xung quanh. Gia đình, những người thân thiết,… Tôi đã bỏ mặc họ. Sâu thẳm trong con người tôi là một gã ích kỉ, một kẻ có thể làm mọi thứ để theo đuổi ước mơ của riêng mình. Hắn cũng lờ đi nhiều thứ khác nữa.
Tôi thường được hỏi về việc liệu Thierry Henry và Patrick Viera có thể trở thành những huấn luyện viên tốt hay không. Câu trả lời của tôi luôn là ‘có’. Họ có đủ những tiêu chí cần thiết: Am hiểu bóng đá, thông minh, kĩ năng chơi bóng tuyệt vời. Nhưng để theo đuổi sự nghiệp của mình thì mỗi huấn luyện viên đều cần biết hi sinh những gì cần thiết, và đó liệu có phải điều họ muốn làm? Câu hỏi đó cứ ngày đêm quanh quẩn trong tâm trí bạn, tựa như một nỗi ám ảnh vậy.
Rồi bạn sẽ bừng tỉnh giấc vào lúc ba giờ sáng và suy nghĩ về tình hình nhân sự, đội hình, chiến thuật,… đại loại thế.
Sau 22 năm ở Arsenal, điều gì đang chờ đón Arsene Wenger ở chương mới của sự nghiệp?
Tôi cũng đang tự hỏi chính mình như vậy! Tôi sẽ tiếp tục với công việc mà mình vẫn làm, hay sẽ chọn một cách khác để chia sẻ những kiến thức mà mình thu thập được suốt bao năm qua? Tôi sẽ cần phải có cho mình câu trả lời trong vài tháng tới.
Hãy quay trở về thời điểm ông cập bến Arsenal. Khi đó mối quan hệ giữa Anh và Pháp đang không được tốt cho lắm, tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi với ông chỉ sau một cuộc hẹn…
Đúng vậy, và đó là David Dein, người đưa mang tôi đến với Arsenal. Hôm đấy là ngày 2/1/1989, tôi đang ở Thổ Nhĩ Kì và phải bay qua Anh. Lúc bấy giờ, phụ nữ và đàn ông không được xếp ngồi chung ở cùng một khán đài, giờ thì khác nhiều rồi. Phụ nữ thường phải ngồi ở khán đài dành cho cổ động viên đội khách. Khi đó tôi vẫn còn thói quen hút thuốc lá. Hôm đấy thậm chí tôi còn được vợ của David Dien châm thuốc giùm.
Chúng tôi bắt đầu trò chuyện, và tối hôm ấy tôi được mời tới dùng bữa tối. Ông ấy có một chiếc du thuyền ở Cote D’Azur, còn tôi thì ở Monaco. Từ đó chúng tôi giữ liên lạc với nhau. Ông ấy thường tới xem các trận đấu ở Monaco và bảo với tôi rằng: “Tôi rất hứng thú với những gì ông đang làm được ở đây. Hi vọng một ngày nào đó ông sẽ về với chúng tôi.”
Tôi đã gặp Peter Hill-Wood tại Nhật Bản. Ông ấy nói rằng mình đang cân nhắc đưa về nước Anh một huấn luyện viên ngoại. Trong khoảng thời gian ở Nhật Bản, tôi đã nhận được lời mời. Họ muốn có được tôi, và mọi chuyện đã xảy ra như vậy đấy.
[Có điện thoại tới, và đó là David Dein.]
Christine Kelly: David Dein này, có phải chính ông là người đã đưa Wenger về với Arsenal?
David Dein: Đúng vậy. Chính tôi đây.
Arsene Wenger: David, ông làm gì ở đây vậy?
David Dein: Chào ông, Arsene!
Arsene Wenger: Ông đúng là phù thủy, thật sự đấy!
David Dein: Không đâu, là ông đấy Arsene. Lúc nào chẳng vậy.
Kelly: David Dein vừa đáp máy bay và đang chờ chuyến kế tiếp, nên ông ấy cũng không tiện để trò chuyện quá lâu lúc này.
Arsene Wenger: Ông ấy luôn là con người của công việc, hẳn là vậy rồi. Lúc nào cũng bận rộn.
Kelly: David này, ông có thể nói một chút về những phẩm chất nổi bật của Arsene Wenger không?
David Dein: Wenger là một người rất thông tuệ. Ông ấy như thể nắm rõ mọi thứ về bóng đá trong lòng bàn tay mình. Ông ấy là một con người chính trực, quy củ, luôn tiến về phía trước và cũng rất có khiếu hài hước nữa.
Không nhiều người biết rằng Wenger cũng có lúc tỏ ra là người cực kì vui tính. Mỗi bữa tối cùng ông ấy luôn là một trải nghiệm thú vị. Hi vọng rằng ông ấy vẫn sẽ tiếp tục làm mọi thứ theo cách riêng của mình, cách của một phù thủy tài ba.
Kelly: Cảm ơn ông, Dein. Dù đang chuyển chuyến bay nhưng ông vẫn dành chút thời gian của mình cho chúng tôi…
[Dein gác máy]
Dein là người có một không hai. Ông ấy là một người bạn tốt của tôi. Chúng tôi luôn có quan hệ gần gũi. Cả tôi và ông ấy đều có những vấn đề của riêng mình, nhưng mối quan hệ đó thì vẫn luôn bền vững.
Ông ấy cũng là một người biết nhìn xa trông rộng. Không nhiều người biết rằng ông ấy đã thăm và giúp đỡ các tù nhân ở 85 trong số 102 nhà tù trên toàn Vương quốc Anh. Dein cũng đã tới hàng trăm trường học để làm công việc thiện nguyện vào mỗi cuối tuần.
Ông ấy cũng rất tích cực hợp tác với FIFA để triển khai những hoạt động làm từ thiện, đồng thời cũng là một trong những người đề xuất việc xem lại băng hình các trận đấu.
Ông cũng rất hứng thú với việc xem lại bằng hình phải không Arsene? Tôi nghĩ ông cũng phải xem cỡ năm hay sáu trận đấu một ngày ấy chứ.
Đúng vậy, có khi ngoài đống băng hình ra thì nhà tôi chẳng còn cái gì khác. Tôi đã trải qua một bài kiểm tra liên quan đến di truyền học và người ta bảo rằng tôi có một loại gene giúp tăng cường sự tập trung. Chắc hẳn tôi đã dùng tới chúng trong suốt sự nghiệp của mình rồi, thậm chí là cho cả những thứ không thực sự cần thiết nữa.
Giờ chúng ta sẽ đến với vài câu hỏi nhanh đáp gọn. Cầu thủ nào để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất?
Tất nhiên là cái tên xuất sắc nhất mà tôi từng được làm việc cùng, Thierry Henry.
Nếu được tát một cầu thủ, ông sẽ làm điều đó với ai?
Tôi nghĩ tôi sẽ làm điều đó với một vài người, vì tất cả những sai lầm mà họ mặc phải trong các trận cầu lớn. Tôi không tiện nói tên họ ra ở đây. Họ cũng khỏe hơn tôi nhiều đấy.
Ông muốn siết cổ tay nhà báo nào nhất?
Không ai cả.
Thật sự?
Có khi là Christine Kelly cũng nên.
[Kelly bật cười]
Được rồi, được rồi… Vậy còn về trận đấu khiến ông cảm thấy hạnh phúc nhất?
Đó là trận đấu mà chúng tôi đã đánh bại Barcelona khi họ đang đạt phong độ cao nhất. Khi ấy dường như không đội bóng nào có thể cản bước họ. Cả hai bên đều đã trình diễn thứ bóng đá hết sức đặc biệt.
Chữ kí nào trong sự nghiệp khiến ông cảm thấy tự hào nhất?
Ừm… Đó là những người tới với đội bóng với mức phí chuyển nhượng tối thiểu, nhưng đẳng cấp mà họ vươn tới được là tối đa. Toure, Henry, Campbell hay Anelka chẳng hạn.
Còn về tân binh kém ấn tượng nhất thì sao?
Kể ra thì cũng khá nhiều. Thật sự thì đây là một công việc phức tạp. Việc đưa về các cầu thủ đều phải được cân nhắc hết sức kĩ lưỡng. Khi làm công việc này; điều quan trọng là bạn không được phép tỏ ra cứng đầu, đồng thời cũng không nên ép buộc mọi thứ xảy ra. Bạn cần nhận ra sai lầm của mình và bước tiếp. Đừng sợ sai.
Với ông, ai là cầu thủ hoàn hảo nhất? Hoàn hảo cả về tư duy chơi bóng, thể chất cũng như kĩ năng cá nhân?
Không ai là hoàn hảo cả. Ai cũng đều có những điểm yếu của riêng mình. Messi là một ví dụ. Lionel là cái tên tiệm cận tới sự hoàn hảo vì ngoài khả năng ghi bàn, cậu ấy cũng có thể khiến đồng đội chơi xung quanh mình. Tuy vậy trái ngược với những gì mọi người thường nghĩ, Messi cũng có nhược điểm.
Nếu xem xét kĩ hơn các trận đấu thì chúng ta có thể thấy rằng, không chiến và phòng ngự không phải là điểm mạnh của cậu ấy. Nhưng dù sao đi nữa, ưu điểm mới là thứ nâng tầm một cầu thủ. Chính vì vậy, các huấn luyện viên cần phải khai thác tối đa điểm mạnh của các cầu thủ và nếu có một thành viên trong đội có thể gạt qua những khuyết điểm để tỏa sáng, hãy cố gắng xây dựng một đội hình lấy người đó làm trung tâm.
Nếu như không còn tại vị ở Arsenal hồi năm 2010, ông có sẵn lòng tiếp quản vị trí huấn luyện viên trường của đội tuyển Pháp lúc bấy giờ hay không?
Có. Tôi đã có khá nhiều cơ hội để trở thành huấn luyện viên trưởng của đội tuyển. Tôi không chắc đó là trước hay sau thời Domenech. Có khi là cả hai cũng nên… Có một khía cạnh của công tác huấn luyện mà tôi rất thích đó là việc bạn thường xuyên được làm việc với các cầu thủ.
Tôi đã luôn tự hỏi rằng liệu mình có nên thử sức với đội tuyển quốc gia hay không. Huấn luyện viên của đội tuyển thường sẽ chỉ đạo khoảng 10 trận mỗi năm. Ở cấp độ câu lạc bộ, con số đó sẽ là 60. Tôi luôn mong những ngày đội bóng của mình ra sân sẽ tới thật nhanh, nên là…
Nếu như không làm việc ở Arsenal, liệu ông có tới dẫn dắt Paris Saint-Germain của các ông chủ Qatar mới đến?
Có thể.
Có khi điều đó lại giúp họ có được danh hiệu Champions League. Ông nghĩ sao?
Không hẳn vậy. PSG thực chất cũng là một quân cờ trên thương trường, nơi mà mục tiêu cuối cùng chắc chắn sẽ không phải là chiếc cúp tai to. Để có được Champions League, bạn sẽ không chỉ cần một chiến lược phát triển lâu dài cho đội bóng mà còn là tinh thần làm việc chăm chỉ đến từ cả tập thể.
Một danh hiệu ở tầm cỡ như vậy đôi khi lại không phải là một mục tiêu quá thực tế để theo đuổi. Thường thì sẽ có sáu hay bảy cái tên ở cùng đẳng cấp với bạn nên nhiều khi, may mắn cũng đóng vai trò quan trọng ở đây.
Thể loại sách yêu thích của ông là gì?
Xã hội học, triết học,.. đại loại thế.
Tôi có mua hai cuốn này. Ông sẽ chọn cho mình cuốn nào?
Thật tốt quá. Vậy tôi sẽ chọn cuốn ‘Tự tin vào chính mình’ (‘Confiance en soi’). Tôi tin rằng sự tự tin là thứ mà chúng ta luôn cần có trong xã hội hiện đại. Mỗi chúng ta giờ đây thường rất hay tỏ ra ngờ vực với chính bản thân mình.
Về những gì diễn ra trong phòng thay đồ, hẳn cũng có những lúc mọi thứ trở nên rất khó khăn. Ông thường nói gì với các học trò trước mỗi trận đấu?
Tôi thường dựa vào hoàn cảnh khi đó để nói chuyện với các cầu thủ sao cho hợp. Không phải đối thủ nào cũng giống nhau, không phải lúc nào đội bóng của bạn cũng tràn trề năng lượng. Bạn cần phải là người hiểu rõ trạng thái của toàn đội.
Giả sử lúc này chúng ta đang có một tập thể với trạng thái không được tốt cho lắm. Ông sẽ truyền đạt những gì tới họ trước lúc ra sân?
‘Tôi không chấp nhận một tập thể như thế này. Với mức năng lượng như hiện tại, những gì tôi thấy sau 90 phút sắp tới chỉ là thảm họa mà thôi. Chúng ta sẽ chẳng thể nào đạt được mục tiêu đề ra. Tỉnh lại nào, các chàng trai. Cậu kia, đúng là cậu đấy, tôi đã theo dõi cậu từ lúc chúng ta khởi động. Rõ là cậu chưa sẵn sàng gì hết. Cậu có biết là mình sẽ phải làm gì không? Cậu đã sẵn sàng chưa?’
Bạn cần phải dựa vào tình hình thực tế để nói với các cầu thủ sao cho hợp lý. Bạn cần phải nhắc nhở học trò của mình rằng mục tiêu hàng đầu vẫn là chiến thắng. Đến một mức độ nhất định, họ sẽ được thể hiện mình nhiều hơn. Tuy nhiên để tới được đó đòi hỏi cả một quá trình.
Với những vận động viên thi đấu đỉnh cao, đắm chìm trong quá khứ cũng giống như sa vào một cái bẫy tinh thần vô cùng lớn. Chúng ta đều muốn họ trở lại với phong độ tốt nhất, nhưng mọi thứ cần thời gian.
Bắt đầu với những gì cơ bản nhất, chơi bóng một cách đơn giản và từ đó mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Nếu bạn đã đọc tới tận những dòng cuối cùng này, xin được gửi tới bạn một lời cảm ơn.
Bài này đọc lứng nuôn
Ra tới Hà Nội chưa :)))