Đây là HyperX Solocast, một chiếc micro thuộc phân khúc giá rẻ của HyperX, và cũng là sản phẩm mình hào hứng được mở hộp nhất tính tới lúc này của 2023. Phần lớn vì gần đây mình đang trở lại làm YouTube, và lần này bản thân sẽ muốn đầu tư nhiều hơn về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là khoản âm thanh. Dạo qua thị trường “còn-ten”, đây dường như cũng là nhu cầu của không ít bạn trẻ, và khả năng cao họ cũng sẽ muốn có một giải pháp thu âm ngon, bổ, rẻ giống mình để tối ưu hóa chi phí.

Vậy HyperX Solocast rốt cuộc có gì thú vị? Hãy cùng tìm hiểu với mình ngay bây giờ nhé!

Mở hộp micro HyperX Solocast

Về khoản đóng hộp, HyperX Solocast để lại cho mình ấn tượng ban đầu tích cực với phần vỏ đẹp với phối màu Đỏ – Trắng nổi bật, đầy đủ thông tin về sản phẩm. Chúng ta sẽ được thấy hình thực của chiếc micro cùng giới thiệu cơ bản về tính năng của nó, ví dụ như khả năng Plug n Play (Cắm vào là dùng), tắt micro nhanh bằng nút cảm ứng hay cơ chế thu tiếng đơn hướng (Cardioid Polar Pattern). 

Phần dưới vỏ hộp sẽ là một số chứng nhận tương thích từ các nền tảng giao tiếp / livestream nổi tiêng như Discord, TeamSpeak hay OBS. Ngoài ra có thể thấy sản phẩm  này sẽ hỗ trợ các nền tảng phổ biến như PC, Mac hay các dòng console mới nhất của Sony như PS4 và PS5. 

Khi mở hộp, chúng ta sẽ có được nhân vật chính là chiếc micro HyperX Solocast gắn trên chân đế, đi kèm một sợi cáp USB-A to C để kết nối với máy tính. Ấn tượng đầu tiên về sản phẩm là nó to hơn mình nghĩ, tuy nhiên không đến mức sẽ choán chỗ trên bàn làm việc. 

Việc tháo lắp sản phẩm với chân đế cũng là khá dễ, đẩy hoặc ấn nhẹ thôi là chúng ta đã có thể tách ra / gắn vào hai thành phần. 

Cáp đi kèm HyperX Solocast sẽ là cáp bọc cao su, khá dài. Mình thì sẽ thích một sợi cáp có bọc dù hơn, nhưng chất lượng hoàn thiện của cáp này cũng là tạm ổn. 

Cảm nhận về HyperX Solocast

  1. Thiết kế 

Khi cầm HyperX Solocast trên tay, mình khá ấn tượng với độ đầm và chắc chắn của chiếc micro này. Mặc dù vỏ của nó chỉ làm bằng nhựa nhưng dường như, phần nhựa này khá đặc nên gõ vào không thấy rỗng. Phần chân đế của Solocast cũng chắc chắn, khớp cử động linh hoạt, vặn đầm. Điều này giúp chúng ta có thể setup chiếc micro này theo nhiều hướng khác nhau. 

Solocast là một sản phẩm có ngoại hình khá tối giản, không có LED RGB cầu kỳ như những người anh em của nó là DuoCast hay QuadCast RGB. Về thẩm mỹ thì tùy người mà chiếc micro này có đẹp hay không, nhưng với mình thì nó vẫn rất tuyệt vời, khi gắn lên chiếc arm Đen tạo nên sự đồng bộ, huyền bí. 

Phía dưới đuôi của micro sẽ là phần adapter với nhiều kích cỡ khác nhau, giúp người dùng có thể gắn lên đủ các loại chân hoặc arm. Còn ở phần đầu sản phẩm sẽ là nút bật tắt micro nhanh, được làm dạng cảm ứng nên chỉ cần chạm, không cần phải nhấn mạnh như nhiều sản phẩm khác. 

Phía sau của sản phẩm này sẽ có độc nhất một cổng USB-C để kết nối với máy tính, không có gì thêm cả. Điều này khiến sản phẩm trở nên cực kỳ dễ sử dụng, khi tất cả những gì chúng ta cần làm là cắm dây vào, đảm bảo cho chiếc đèn LED nhỏ phía trước sáng lên (sáng Đỏ với micro Đen và sáng Trắng với micro Trắng).

HyperX Solocast sẽ có hai tùy chọn màu là Đen và Trắng, và mình chọn màu Đen do nó phù hợp với cây arm đang dùng. Màu Trắng thì mình cũng có được trải nghiệm, và nó khá đẹp nhờ được phối cả với màu Bạc của khung micro – cũng là một yếu tố đem lại sự chắc chắn. 

Tổng thể thì dù là micro gaming, nhưng thiết kế của HyperX Solocast vẫn toát lên sự tinh tế, phù hợp với những góc setup hiện đại. Cá nhân mình thấy thì xét về thẩm mỹ, đây sẽ là lựa chọn thay thế rất tốt NZXT Capsule cho mục đích setup nếu bạn không đủ kinh phí. 

  1. Chất âm 

Tất nhiên, yếu tố quan trọng nhất ở đây vẫn là chất âm, và ở khoản này thì HyperX Solocast đang đáp ứng tạm ổn nhu cầu của mình. Sử dụng micro này để thu thử một vài đoạn, mình hài lòng với độ chi tiết mà nó thu được ở khoảng cách 20-25cm so với khuôn miệng. Khi nghe lại, giọng mà Solocast cho ra có độ trầm và ấm, lồng vào video sẽ tạo cảm giác rõ ràng và “uy tín” hơn.

Khả năng lọc ồn của HyperX Solocast theo mình cũng ở mức ổn, vì khi thu âm mình có bật quạt nấc vừa thổi từ sau thì gió lọt vào khá ít. Thu thử trước khi mua sản phẩm này ở không gian mở, hướng ra ngoài sân có tiếng xe máy, tiếng người nói chuyện,.. thì mức độ tạp âm cũng là chấp nhận được. 

Việc chỉ thu âm đơn hướng cũng sẽ giúp HyperX Solocast ở khoản hạn chế tiếng ổn, vì nó sẽ chỉ thu âm từ trước mặt chúng ta và bỏ qua toàn bộ những gì phát ra phía sau. Khi video call, mình có thử mở to loa ở sau micro, và người bên kia đầu dây khi được hỏi thì họ gần như không nghe thấy gì. 

Với việc các bạn game thủ nhiều người đã có phòng riêng, mùa Hè tới sử dụng điều hòa thay cho quạt cây, v.v. HyperX Solocast sẽ có điều kiện để phát huy tối đa khả năng. Nhìn chung, sản phẩm này sẽ phù hợp với với người dùng cơ bản, các bạn streamer hay YouTuber mới vào nghề đang muốn đầu tư về chất lượng âm thanh.

  1. Tính năng 

Về tính năng, HyperX Solocast không có nhiều thứ để tận dụng. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là kết nối sản phẩm với PC và sử dụng ngay, hoặc là tắt bật tiếng nhanh thông qua nút cảm ứng. Cá nhân mình vẫn muốn chiếc micro này sẽ làm được nhiều thứ hơn, chẳng hạn như chỉnh nhanh độ nhạy hay có thêm jack 3.5 để cắm tai nghe, tiện kiểm soát giọng nói để tránh nuốt chữ, lặp từ, v.v. khi thu âm. 

  1. Một vài nhược điểm 

Nãy giờ, mình đã dành khá nhiều lời khen cho HyperX Solocast. Tuy nhiên chiếc micro này vẫn có vài điểm khiến mình chưa hài lòng. Ví dụ như ở phần chân đế, chúng ta sẽ không có phần giá chống sốc (shock mount), vì vậy thì Solocast sẽ thu luôn cả tiếng mà người dùng chạm tay vào mặt bàn khi làm việc, gõ phím, v.v. Để giải quyết vấn đề này, hãy tìm một chiếc tay arm có vít vừa với chiếc micro này và gắn nó lên. 

Ngoài ra về tính năng cũng như phụ kiện, HyperX Solocast không có quá nhiều và đa dạng như những đối thủ tới từ Trung Quốc. Một số thương hiệu mình thấy cũng tặng kèm tấm lọc gió kèm micro, và đó cũng là thứ sẽ rất tốt cho Solocast để giúp âm thanh thu lại được đảm bảo hơn, do nó không có chế độ lọc ồn. 

Hơn nữa, HyperX Solocast cũng ra mắt đã lâu, và hiện tại xung quanh nó đang là rất nhiều đối thủ với chất âm không hề thua kém. Một số thương hiệu nổi bật có thể kể tới như Ffine, Maono, Ulanzi, v.v.

Tạm kết 

Nhìn chung với mức giá 1.300.000đ mà mình mua được, HyperX Solocast có thể xem là một món đồ tốt. Hi vọng đây sẽ là công cụ giúp mình cho ra nhiều video hơn nữa, và nếu anh em cũng đang khởi nghiệp làm YouTube, podcast, streaming, v.v. thì hãy thử xem qua chiếc micro này – một sản phẩm tinh gọn từ ngoại hình đến công năng với chất lượng là tương đối tốt.

Nếu so với những cái tên tới từ quốc gia hàng xóm, HyperX Solocast còn nhiều điểm cần bổ sung. Tuy nhiên dù sao, đây là sản phẩm của thương hiệu lớn, vậy nên nó vẫn sẽ có chỗ đứng vững chắc để người mới tìm đến, trải nghiệm và tận hưởng. 

By Công Minh

Chẳng chóng thì chày thì cũng 30; nhưng mình vẫn có niềm đam mê lớn với đồ chơi, đồ công nghệ, thẻ bài, bóng đá,... và thích viết dài, viết mãi để nói về chúng.

Related Post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *