Còn nhớ ngày xưa, thuở những chiếc PC chơi game còn siêu to khổng lồ, hẳn không ít game thủ đã từng mơ về việc thu nhỏ chúng, mang bên mình để chơi mọi lúc mọi nơi. Nhiều năm sau, mong muốn ấy đã trở thành hiện thực với các sản phẩm PC cầm tay đầu tiên, và nhanh chóng thì chúng đã thu hút không ít sự chú ý bởi sự độc lạ và sự hữu dụng ít ai ngờ tới. 

Tuy các thương hiệu từ quốc gia hàng xóm đã ra mắt nhiều cái tên nổi bật, nhưng phải tới lượt Valve với Steam Deck thì thị trường mới thực sự hấp dẫn. Đứng trước cơn sốt toàn cầu tạo ra bởi cỗ máy này, không ngạc nhiên khi những “ông kẹ” trong mảng gaming đã bắt đầu sốt ruột. 

Và giữa làn sóng Steam Deck tưởng chừng không thể ngăn cản, ASUS đã nổ súng đáp trả với ROG Ally. Với phong cách thiết kế được yêu thích bởi tín đồ chơi game trên toàn thế giới, đi kèm linh kiện cực mạnh cùng tên tuổi lớn làm bảo chứng, liệu cỗ máy này sẽ đem lại trải nghiệm thực tế ra sao? 

Lưu ý: ROG Ally trong bài viết là bản Thử nghiệm (Sample), có thể sẽ khác so với phiên bản chính thức được tung ra thị trường Việt Nam vào tháng 7 tới. Vậy nên những trải nghiệm được viết ra trong bài hoàn toàn có thể khác đi trong tương lai. 

Trọng lượng 

Thông thường, thiết kế sẽ là thông tin được mình đưa lên đầu các bài trải nghiệm. Tuy nhiên với ROG Ally thì trọng lượng nên được ưu tiên vì nó rất nhẹ (608g), ít nhất là so với Steam Deck (669g) cũng như sự thật rằng, sản phẩm này mang trong mình cấu hình mạnh nhất từ trước đến nay (có lẽ vậy) trên PC chơi game cầm tay. 

Nếu như với Steam Deck, nhiều người dùng đã phải “ồ” lên vì máy nhẹ hơn mình nghĩ thì khi trải nghiệm ROG Ally, cảm giác tương tự cũng sẽ xuất hiện. Dù về con số thì chênh lệch rất ít thôi, nhưng trước mắt thì nhẹ hơn đối thủ bao nhiêu là hay bấy nhiêu cho ASUS rồi. 

Bên cạnh nhỏ hơn, sản phẩm còn gọn hơn Steam Deck tương đối về chiều dài và chiều rộng. Bạn đọc có thể tham khảo hình ảnh so sánh dưới đây của YouTuber Dave Lee để thấy được sự khác biệt, với những ai hay di chuyển thì đó sẽ là điểm cộng đáng giá.

Thiết kế 

Về thiết kế, ROG Ally vẫn như mọi sản phẩm khác với mác ROG: Rất tương lai, góc cạnh và đầy màu sắc. Trong khi hai yếu tố đầu tiên được thể hiện rất rõ ràng ở mọi yếu tố từ dáng hình, khe tản nhiệt, loa, font chữ trên nút bấm, v.v. thì về câu chuyện màu sắc, ASUS lại đem đến cho chúng ta tinh tế qua những chi tiết rất nhỏ, ví dụ như chiếc vòng RGB bao quanh phần analog.

Hay ở đằng sau của máy, chúng ta cũng có một đường cắt chéo với ánh sáng nhiều màu đẹp mắt. Thú vị thay, đây không phải đèn RGB, mà chỉ là một lớp mạ nhưng được làm cực kỳ khéo léo. 

Nhìn tổng thể, không bất ngờ khi cách bài trí nút bấm, cần analog, màn hình, v.v. của ROG Ally khá giống so với “bom tấn” mới đây là Steam Deck. Dường như cả ASUS và Valve đều nhận ra sự tối ưu của layout này, thứ đã và đang cực kỳ phổ biến thông qua nhiều sản phẩm tay cầm chơi game – đặc biệt là tay Xbox. 

Có một sự khác biệt khá thú vị ở đây là ROG Ally lại lấy tùy chọn màu Trắng làm chủ đạo để quảng bá, trong khi Steam Deck lại là màu Đen. Không rõ đây có phải chủ ý của ASUS hay không, nhưng dù thế nào thì sự đối lập này cũng thú vị đấy chứ? 

Nhìn chung thì tuy thể hiện rõ sự học hỏi từ đàn anh Steam Deck, nhưng ROG Ally vẫn có cách để làm mới mình, qua đó ghi điểm trong mắt người dùng. Kể cũng phải thôi vì trước nay, ROG vẫn là ROG, chẳng thể lẫn đi đâu được về ngôn ngữ thể hiện, một ưu điểm quá lớn giữa thời buổi thị trường nào cũng dễ bão hòa.

Cảm giác cầm nắm

ROG Ally có rất nhiều chi tiết nhỏ bao quanh sản phẩm để tạo ấn tượng. Từ những đường gân ẩn khắc chữ ROG cầu kỳ, cho tới biểu tượng con mắt quen thuộc nhỏ xíu dưới cùng phần báng cầm,… Tất cả đều được hoàn thiện tinh xảo. 

Tiện nói tới báng cầm, khu vực này được thiết kế rất tốt để bám vào mọi điểm chạm cần thiết trên bàn tay của bạn. Cầm vào ROG Ally, mình cứ ngỡ đang sử dụng một chiếc chuột công thái học với độ ôm hoàn hảo.

Độ hoàn thiện 

Về độ hoàn thiện thì nếu chưa trải nghiệm Steam Deck, bạn sẽ hài lòng ngay với cảm giác mà ROG Ally đem lại. Khi cầm thử máy trên tay, bóp mạnh báng cầm hay cố gắng vặn xoắn, gần như không có bất kỳ biểu hiện nào của sự rời rạc, lỏng lẻo được phơi bày trước mắt. 

Mặt lưng của ROG Ally dường như mỏng nhựa, vì gõ vào thấy tiếng rỗng khá rõ. Đây sẽ là điểm mà chúng ta cần đánh đổi, để máy trở nên nhẹ nhất có thể và có nhiều không gian bên trong hơn để tản nhiệt. 

Hệ thống nút bấm và trải nghiệm

Tương tự nhiều sản phẩm PC chơi game cầm tay đi trước, ROG Ally sẽ vẫn có hệ thống nút bấm, D-pad, analog, cò trên, cò sau, v.v. đầy đủ và được xếp ở các vị trí quen thuộc. Tất cả đều được hoàn thiện rất tốt, dày dặn, bấm hay xoay đều cảm thấy chắc chắn. 

Điểm thú vị ở những nút bấm này là tùy vào vị trí sắp xếp, chúng ta sẽ có được cảm giác bấm chúng là khác nhau chút đỉnh. Ấn tượng nhất với mình là cò L, cảm giác bấm khá xốp, mềm mại, giúp những lệnh như đổi người khi chơi FIFA 23 được thực hiện dễ dàng.

Còn với cò R, cảm giác bấm sẽ sâu hơn chút so với cò L. Do vậy nên với lệnh tương ứng trong FIFA 23 là bứt tốc, cầu thủ sẽ chỉ nhận nếu chúng ta chịu khó nhấn hết hành trình cò – nói vui thì cũng giống chúng ta lấy đà nhẹ để chạy nhanh vậy. 

Nếu không phải người dùng khó tính, hệ thống điều khiển trên ROG Ally sẽ khiến bạn cảm thấy hài lòng. Mặc dù vậy, mình thấy máy vẫn có một vài nhược điểm, chẳng hạn như cò sau chạm vào thấy lọc xọc, hay nút Y đặt hơi cao so với tầm với ngón cái tay phải.

Màn hình 

Về màn hình, ASUS đã công bố rằng ROG Ally sẽ sở hữu màn hình FullHD (1920 x 1080) 7-inch, tấm nền IPS cùng tần số quét lên tới 120Hz. Nhiêu đó thôi đã là đủ để “out trình” về mặt hiển thị rất nhiều đối thủ trên thị trường, kết hợp với phần cứng rất mạnh sẽ được nói phía sau thì đồ họa của máy trước mắt chúng ta sẽ là rất mãn nhãn, mượt mà. 

Trải nghiệm ban đầu của mình với FIFA 23 và God of War 2018 trên màn hình này thì về cơ bản, màu của máy hiện lên rất sâu. Điều này khiến cho thảm cỏ Xanh Lá, màu áo Xanh Lam của Chelsea, Man City,… hay những ngọn lửa bùng cháy ở Hellheim có được sự sống động. 

Chất lượng hiển thị của màn hình này thì khá tiếc mình lại chưa đo, nhưng theo tham khảo từ nhiều nguồn thì ít nhất, chúng ta có thể biết rằng dải màu sRGB sẽ là 100% – đảm bảo mọi nội dung sẽ được hiển thị với đầy đủ sức sống vốn có của mình. 

Một điểm đáng chú ý về màn hình này đó là chúng ta sẽ có thể vuốt chạm, và sẽ được hỗ trợ bởi Windows 11 – phiên bản tối ưu về khả năng cảm ứng. Vuốt mượt trên màn hình 120Hz là một chuyện, mình cũng rất thích cách chúng ta có thể tương tác với các HUD tăng giảm độ sáng, âm lượng,.. của Windows. Vuốt trái dưới cái là lên ngay. 

Cuối cùng thì về độ sáng, màn hình này có thể đạt tối đa lên đến 500 nits để giúp game thủ giải trí ngoài trời. Tuy nhiên có lẽ bạn sẽ không muốn bật sáng lên đến mức này đâu, lý do cụ thể sẽ ở phần sau bài viết nhé. 

Hiệu năng 

Về hiệu năng thì trên lý thuyết, ROG Ally sở hữu cho mình quá nhiều lợi thế so với các đối thủ. Không chỉ mang trong mình cấu hình “khủng long” xoay quanh APU AMD Ryzen Z1 Extreme – người anh em của Ryzen 6000 hay Ryzen 7000 với kiến trúc nhân Zen 4 và kiến trúc đồ họa RDNA 3 mạnh mẽ, mà nó còn chạy trên Windows 11 – có thể chưa tối ưu cho gaming nhưng độ tương thích phần mềm thì khỏi phải bàn cãi. 

Ít nhất so với Steam Deck, ROG Ally đã đi đúng hướng để trở thành một chiếc máy chơi được mọi game. Hơn nữa thì với Windows 11, chúng ta sẽ có thể dễ dàng khi cài các loại giả lập, qua đó mở rộng tiềm năng giải trí của sản phẩm. Ở thời điểm viết bài, giả lập Nintendo Switch nổi tiếng là Ryujin đã có thể chạy mượt siêu phẩm The Legend of Zelda: Tears of the Kingdom. Và khi đã có ROG Ally thì… tại sao không thử nhỉ? 

Với phần cứng thuộc hàng “xịn nhất xóm”, việc ROG Ally có thể chơi mượt mọi game hẳn cũng chỉ là chuyện sớm muộn. Ngoài ra thì khả năng cao, ASUS sẽ phối hợp với AMD nhanh chóng phát hành các phiên bản driver tối ưu cho sản phẩm này, qua đó đẩy cao hiệu quả chơi và tính tương thích của phần cứng với các tựa game mới.

Ở thời điểm viết bài, mình chưa trải nghiệm quá nhiều game trên ROG Ally. Mình sẽ cố gắng mượn sản phẩm lâu hơn để viết đánh giá chi tiết cho việc này.

Đi kèm với APU AMD Ryzen Z1 Extreme sẽ là 16GB RAM LPDDR5 cùng 512GB SSD NVMe, có thể mở rộng qua khe thẻ nhớ Micro SD. Tất cả về cơ bản là dư dả cho trải nghiệm chơi game cầm tay, và thậm chí đủ tốt để chúng ta sử dụng ROG Ally như một chiếc mini PC cho các tác vụ như lướt web, xem YouTube, v.v. còn nhiều hơn thì phải thử thêm. 

Nhiệt độ 

Với phần cứng siêu khủng như trên, chắc chắn ASUS sẽ muốn ROG Ally chạy được ổn định để phát huy tối đa hiệu quả. Và để làm được điều đó, máy sẽ được trang bị công nghệ tản nhiệt buồng hơi tương tự các mẫu laptop ROG Strix G / Strix SCAR nổi tiếng, đi kèm đến hai quạt tản lớn để lưu thông không khí bên trong thân máy. 

Trong quá trình chơi thì khi để ở chế độ quạt Turbo, chúng ta hoàn toàn có thể nghe thấy tiếng ồn phát ra từ hai khe hướng thẳng lên trên từ thân máy. Ngoài ra thì phần lưng và màn hình cũng nóng lên thấy rõ, khá bất tiện khi chúng ta cần tới các thao tác cảm ứng khi cần thoát game, sử dụng bàn phím ảo, v.v.

Tuy vậy, nếu đổi lại là sự ổn định của phần cứng khi chạy ở các mức điện năng cao thì suy cho cùng, đó cũng là điều chúng ta phải tính tới. Mình cũng chưa kịp được xem về nhiệt độ trong bài trên tay này, và theo như có hỏi một số đơn vị truyền thông thì đây cũng là yếu tố mà ASUS muốn thể hiện tốt hơn khi ra phiên bản chính thức, vậy nên hãy chờ xem. 

Cổng kết nối 

Về cổng kết nối, ROG Ally sẽ có những trang bị tương đối quen thuộc so với các sản phẩm PC chơi game cầm tay khác. Cụ thể thì chúng ta sẽ mở rộng được dung lượng lưu trữ thông qua khe thẻ Micro SD USH-II, đi kèm cổng Type-C 3.2 Gen2 hỗ trợ Power Delivery và DisplayPort 1.4 để xuất hình. Nhờ vậy nên nếu cần, bạn có thể dùng ROG Ally như một chiếc mini PC, xuất hình ra màn rời để chơi game hay lướt web với Windows 11. 

Cổng C này sẽ là một phần của chân cắm ROG XG Mobile đặc trưng của hãng, cho phép chúng ta kết nối máy với các mẫu eGPU rời cùng tên của ASUS hay được dùng với laptop ROG Flow X / Z. Theo mình có tham khảo được thì eGPU thế hệ mới của hãng sẽ có phiên bản lên đến RTX 4090, hứa hẹn đem tới trải nghiệm chơi game và tản nhiệt không thua bất kỳ sản phẩm gaming hàng đầu nào.

Bên cạnh các kết nối mở rộng như vậy, chúng ta sẽ còn có jack tai nghe 3.5mm combo, nút tăng giảm âm lượng và nút nguồn kiêm bảo mật vân tay. 

Thời lượng pin 

Với viên pin vỏn vẹn 40Wh, ROG Ally sẽ có thể trụ được vào khoảng… 35-45 phút với những game AAA. Đúng vậy, bạn không nhầm đâu, 35-45 phút đấy. Cụ thể thì khi thực hiện bộ ảnh trong bài, mình có để ROG Ally ở mức tản nhiệt Turbo và cho chạy tựa game God of War để chụp cho sinh động. Và sau hơn 30 phút bấm máy, sản phẩm đã ngốn sạch 80% pin ban đầu và sập nguồn ngay sau bức ảnh cuối cùng. 

Không rõ phần cứng của ROG Ally lúc đó đang chạy ở mức điện bao nhiêu, nhưng rõ ràng khi nghe tới con số đấy thì chúng ta có quyền được quan ngại. Rất may là ASUS cũng đã trang bị kèm sản phẩm một củ sạc với công suất lên đến 65W rất nhỏ gọn, giúp game thủ có thể vừa cắm vừa chơi hoặc nạp pin nhanh cho hành trình trước mắt. 

Về thời lượng pin, mình sẽ có bài đánh giá chi tiết hơn khi đã cầm được máy đủ lâu. Khả năng cao chúng ta vẫn sẽ phải thử thêm các chế độ điện năng và quạt tản khác để có được con số khả quan hơn. 

Một số hình ảnh chụp thêm của mình về chiếc máy này

By Công Minh

Chẳng chóng thì chày thì cũng 30; nhưng mình vẫn có niềm đam mê lớn với đồ chơi, đồ công nghệ, thẻ bài, bóng đá,... và thích viết dài, viết mãi để nói về chúng.

Related Post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *